4K là thứ mà thường hay được nói đến ra rả mỗi ngày khi chúng ta xem những video hay bài viết quảng cáo về TV, khiến nhiều người nghĩ rằng 4K giống như bước đại nhảy vọt trong công nghệ màn hình, và những chiếc TV 4K thì hiển nhiên là sẽ cho khả năng hiển thị hình ảnh “bá đạo” – điều này là đúng, nhưng chưa đủ. Còn một thứ khác đáng lưu tâm hơn trên một chiếc TV, đó là công nghệ HDR.
Đầu tiên, điều quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa thực sự của 4K là gì
Các thuật ngữ về công nghệ hiển thị mà bạn thường hay nghe thấy như độ phân giải tiêu chuẩn (SD), độ phân giải cao (HD) và 4K (hoặc Ultra HD) đề cập đến một đặc tính được gọi là độ phân giải hoặc số pixel (hoặc bit hiển thị nhỏ) được tạo nên màn hình. Một HDTV thông thường sẽ có độ phân giải là 1080p. Nói một cách đơn giản, đó là 1.920 x 1.080 pixel: 1.920 pixel trải qua màn hình theo chiều ngang và 1.080 pixel đi qua màn hình theo chiều dọc.
TV 4K chỉ đơn giản là tăng số pixel đó lên. Thông thường, chuẩn 4K đề cập đến độ phân giải màn hình là 2160p, hoặc 3.840 x 2.160 pixel. Tức là lớn hơn khoảng bốn lần so với chuẩn 1080p, thuật ngữ “4K” cũng vì thế mà được ra đời. Về mặt kỹ thuật, 4K không hoàn toàn tương đương với 2160p, nhưng sự khác biệt về kỹ thuật là rất nhỏ đến mức nó không thực sự quan trọng và chúng ta cũng khó có thể nhận ra được.
Đây cũng là lý do 4K gây hiểu lầm, hay đúng hơn là một mánh khóe marketing của các nhà sản xuất. 4K nghe có gì đó vượt trội hơn và tốt hơn so với Full HD thông thường khá nhiều, và 2160p có vẻ như là một con số lớn hơn và hấp dẫn hơn 1080p. Cũng đúng bởi theo lý thuyết, chuẩn 4K được cho là sẽ mang đến độ nét gấp 4 lần Full HD. Nhưng trên thực tế, công nghệ này lại đang được thổi phồng quá mức.
Tại sao lại nói như vậy? Carlton Bale, một chuyên gia về công nghệ màn hình đã cho biết từ khoảng 2m trở đi, bạn sẽ cần một một chiếc TV cực to (84 inch) thì mới phân biệt được rạch ròi sự khác nhau về độ sắc nét của Full HD so với 4K. Với TV 42 hoặc 50 inch phổ biến trong gia đình, để nhận ra sự khác biệt, bạn sẽ phải ngồi gần TV trong phạm vi từ khoảng 0.6 đến 0.9m. Do đó, với khoảng cách từ mắt đến màn hình TV như ở phòng khách của chúng ta hiện nay, sự khác biệt về độ sắc nét giữa Full HD và 4K là có, nhưng rất khó phát hiện. Tóm lại, 4K chắc chắn sẽ cho khả năng hiển thị tốt hơn 1080p, điều đó là không phải bàn, nhưng đôi mắt của bạn không thể nhận ra những sự chênh lệch về pixel đó trừ khi bạn sử dụng một TV khá lớn và dự định ngồi gần nó.
Ngoài ra, hiệu ứng 4K chỉ hoạt động thực sự khi bạn xem nội dung được quay tự nhiên ở độ phân giải 4K. Một chương trình chỉ được quay với độ phân giải gốc là 1080p nhưng được đưa lên màn hình 4K thì cũng chẳng thể giúp cung cấp thêm chi tiết nào.
Giá thành của TV 4K đã giảm đáng kể trong nhiều năm qua. Ngày nay, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc TV 4K “ngon nghẻ” với giá bán dưới 15 triệu đồng. Việc phân khúc TV 4K giảm giá đương nhiên cũng kéo theo thị trường TV HD 1080p có giá bán tốt hơn rất nhiều, nhưng đây chưa hẳn đã là chuyện tốt. Về cơ bản, giá bán giảm đồng nghĩa với việc những thứ thực sự quan trọng giúp tạo nên một màn hình TV tốt như tỷ lệ tương phản cao hơn, chuyển động mượt mà hơn và màu sắc tốt hơn đã bị loại bỏ bớt khỏi TV 1080p để cắt giảm chi phí và thay vào đó được đem lên những phân khúc cao hơn.
Trừ khi bạn có ý định mua một chiếc TV rất nhỏ (32 inch hoặc bé hơn) hoặc bạn không muốn chi nhiều tiền, còn nếu tài chính cho phép, tôi khuyên bạn nên mua một chiếc TV 4K bởi đởn giản, TV 4K tuy có đắt hơn những tính ra thì vẫn được trang bị những công nghệ đáng tiền hơn so với các sản phẩm FHD.
Đã đến lúc HDR nên được đưa về đúng vị trí của mình
Vâng, cho đến lúc này, có thể khẳng định rằng công nghệ 4K không phải là tất cả trên một chiếc TV, nhưng một số TV 4K có một tính năng quan trọng khiến chúng rất đáng để mua: đó chính là dải động cao high-dynamic range – HDR. HDR giúp tăng tỷ lệ tương phản hiển thị, đó là sự khác biệt giữa màu sáng nhất và tối nhất mà TV của bạn có thể “trình diễn” được. Nói cách khác, HDR cho phép TV hiển thị được nhiều chi tiết tốt hơn trong các sắc thái ở giữa các mảng màu sáng và tối. Ngoài ra, HDR cũng thường được đi kèm với một tính năng khác, được gọi là gam màu rộng (wide-color gamut – WCG), cho phép TV tạo ra nhiều màu sắc hơn bình thường. Kết quả là sự kết hợp giữa 4K, HDR và WCG sẽ tạo ra một chất lượng hình ảnh sống động và giống thật hơn. Cụ thể, màu sắc sẽ được hiển thị “mượt mà” hơn và các đối tượng trong khung hình dường như cũng được thể hiện có chiều sâu hơn. Đây hoàn toàn không phải là những lời lẽ mang tính quảng cáo sáo rỗng, mà là một cải tiến thực sự cho chất lượng hình ảnh trên TV.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn với HDR cũng tương tự như với 4K đó là để các công nghệ này thực sự phát huy tối đa hiệu quả thì cần nội dung được hiển thị cũng phải được quay với chất lượng gốc tương đương.
Tóm lại: Hãy chú ý nhiều hơn đến HDR
Dưới đây là những điều quan trọng nhất mà bạn cần phải lưu ý trước khi chọn mua TV:
- 4K và HDR sẽ không loại trừ lẫn nhau mà ngược lại còn bổ trợ cho nhau rất tốt. Hiện tại đã có rất nhiều TV 4K HDR trên thị trường và sự kết hợp này sẽ vẫn là công nghệ chủ đạo trong xu thế phát triển của ngành công nghiệp này trong tương lai!
- 4K HDR cũng có nhiều cấp độ, và tất nhiên sự kết hợp của 4K HDR trên những model đắt tiền sẽ đem lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn rất nhiều.
- Nếu tình hình tài chính không cho phép, bạn không cần phải cố mua TV 4K HDR vào thời điểm này. Hiện tại, HDR vẫn là một tính năng cao cấp và sẽ mất một thời gian nữa để nhiều nội dung HDR được phổ biến rộng rãi. Đầu tự cho một chiếc TV 4K thường hoặc FHD vào lúc này là hợp lý với những người có ngân sách eo hẹp.
- Giữa HDR và 4K, HDR là bước tiến thực sự. Nếu bạn có thể đợi thị trường HDR “hạ nhiệt” hơn một chút rồi mới mua TV, hãy làm như vậy. Nhưng nếu bạn có đủ ngân sách và muốn sở hữu một chiếc TV tốt ngay bây giờ, HDR chắc chắn sẽ là một công nghệ bắt buộc phải có.
Chúc các bạn chọn mua được cho mình một sản phẩm phù hợp!
Xem thêm: