Kể từ khi bắt đầu nói chuyện với nhau thông qua việc sử dụng bàn phím và màn hình, mọi người đã sử dụng emoticon, smiley (mặt cười) và emoji để lấp đầy các khoảng trống. Bạn không thể hiện được sắc thái hoặc ngữ điệu khi nhắn tin, vì vậy việc đưa vào một biểu tượng mặt cười đảm bảo tin nhắn truyền tải đúng cảm xúc bạn muốn.
Nhưng có một sự khác biệt giữa emoticon và emoji. Cùng THPT Phạm Hồng Thái tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé!
Phân biệt 3 khái niệm emoticon, smiley và emoji
Emoticon và emoji có giống nhau không?
Emoticon và emoji không giống nhau. Hai thuật ngữ đã được sử dụng thay thế cho nhau bởi ngay cả những cái tên lớn trong giới truyền thông như New York Times và BBC, nhưng thực tế, chúng là những thứ khác nhau.
Nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn là cả emoticon và emoji đều được sử dụng để tăng thêm “gia vị” cho các cuộc trò chuyện bằng văn bản khô khan. Và thậm chí tên gọi của 2 khái niệm này nghe cũng giống nhau.
Nhưng sự khác biệt giữa chúng thực sự rất đơn giản: Emoticon là sự kết hợp các biểu tượng có sẵn trên bàn phím, như chữ cái và dấu chấm câu, còn emoji là hình ảnh. Bài viết sẽ giải thích điều này chi tiết hơn trong phần tiếp theo.
Emoticon là gì?
Như bài viết đã giải thích ngắn gọn ở trên, emoticon là một tập hợp các dấu chấm câu, chữ cái và số được sắp xếp để giống với khuôn mặt của con người. Mỗi emoticon ít nhiều được mọi người hiểu theo một cách chung và biểu thị một cảm xúc, hoặc đôi khi là một đối tượng nhất định. Ví dụ, 😀 có nghĩa là cười hoặc cười toe toét, :-O là sự ngạc nhiên và <3 là biểu tượng gần giống hình trái tim nhất.
Mặc dù vậy, văn hóa phương Đông và phương Tây có những bộ emoticon hoàn toàn khác nhau. Những emoticon của phương Tây phải được đọc theo chiều ngang, lần lượt từ trái sang phải, trong khi các emoticon của phương Đông không cần phải xoay và đôi khi có thể sử dụng các ký tự không phải tiếng Latin.
Emoticon bắt nguồn từ một trò đùa quá trớn
Năm 1982, Neil Schwartz đã đăng một câu đố vật lý liên quan đến thủy ngân và một cây nến trên bảng tin của trường Đại học Carnegie Mellon (CMU). Đồng nghiệp của Neil Schwartz, Howard Gayle kế đó đã đưa ra một cảnh báo với nội dung như sau:
“CẢNH BÁO! Do một thí nghiệm vật lý gần đây, thang máy ngoài cùng bên trái đã bị nhiễm thủy ngân. Ngoài ra còn có một số thiệt hại nhỏ do lửa gây ra. Việc khử nhiễm sẽ được hoàn thành trước 08:00 thứ Sáu”.
Thật dễ dàng để dự đoán những gì đã xảy ra tiếp theo: Trò đùa đã trở thành một sai lầm khủng khiếp và làm các sinh viên trong trường hoảng loạn. Và đó được cho là lý do tại sao emoticon ra đời.
Tiến sĩ Scott E. Fahlman, một nhà khoa học máy tính tại CMU, đề nghị rằng tất cả các trò đùa trên bảng tin đều phải được đánh dấu bằng bộ ký tự :-), trông giống như một khuôn mặt cười khi xoay sang một bên. Một tập hợp các ký tự khác, :-(, sẽ đi kèm tất cả các bài viết nghiêm túc. Những khuôn mặt kiểu chữ này sau đó lan truyền trên web và được gọi là emoticon hay emotion icon.
Emoji là gì?
Emoji là một chữ tượng hình hay hình ảnh nhỏ, có thể hiển thị bất cứ điều gì, từ khuôn mặt tươi cười, quả xoài hay mẩu thuốc lá. Emoji mới xuất hiện hàng năm để làm hài lòng người dùng điện thoại thông minh. Từ emoji về cơ bản có nghĩa là “ký tự hình ảnh” (trong tiếng Nhật, e có nghĩa là hình ảnh và moji là chữ cái, ký tự).
Vài ngàn emoji có code tương ứng trong Unicode, một tiêu chuẩn trong lĩnh vực điện toán dành cho việc mã hóa. Các ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội và trình duyệt đọc code này, sau đó hiển thị cho bạn một hình ảnh phù hợp. Các phần mềm khác nhau có thể có phần đồ họa hơi khác nhau, đó là lý do tại sao biểu tượng cảm xúc bạn gửi từ iPhone không hoàn toàn giống như những gì người nhận thấy trên điện thoại Android.
Một số emoji và emoticon có thể hoán đổi cho nhau
Điều làm cho mọi thứ trở nên mơ hồ hơn là một số emoji có bản sao emoticon giống hệt. Hầu hết các khuôn mặt tròn màu vàng trên điện thoại thông minh có những bộ ký tự tương ứng bạn có thể hoặc không thể nhớ, tùy thuộc vào độ tuổi.
Một số biểu tượng trong số đó rất khó để giải thích nếu bạn không biết ý nghĩa ban đầu của chúng là gì, giống như :$ tương ứng với emoji Flushed Face (khuôn mặt xúc động). Những cái khác rất dễ nhận biết, chẳng hạn như ‘,:-| tượng trưng cho khuôn mặt với một bên lông mày được nâng lên. Một vài emoji không phải khuôn mặt khác cũng có “người anh em song sinh” typography (các tác phẩm nghệ thuật biểu hiện bằng con chữ). </3 biểu tượng cho trái tim tan vỡ, @}->- và một vài bộ ký tự khác biểu tượng cho hoa hồng, và thậm chí *<|:?) còn biểu tượng cho ông già Noel!
Smiley là gì?
Bài viết sẽ giới thiệu thêm một thuật ngữ nữa ở đây và ta buộc phải giải quyết vấn đề này. Nói chung, smiley là một đại diện đồ họa của một khuôn mặt cười, bất kể hình thức. Emoticon ban đầu 🙂 được tính là một smiley và emoji Slightly Smiling Face (khuôn mặt cười nhẹ) cũng vậy.
Trước đây, smiley là khuôn mặt cười màu vàng được thiết kế vào năm 1963 và trở thành biểu tượng của văn hóa Rave (tạm dịch sang tiếng Việt là văn hóa “quẩy”). Nhưng khi emoticon xuất hiện trong phòng chat, mọi người cũng bắt đầu gọi chúng là smiley. Trong ICQ, Yahoo Messenger và các hangout mang tính chuyển giao giữa 2 thế kỷ khác, smiley trở nên phức tạp, đa dạng và thậm chí là mang tính hoạt ảnh cao hơn.
Bằng cách nào và khi nào emoji thay thế emoticon?
Shigetaka Kurita, phụ trách việc thiết kế giao diện cho một nhà mạng di động ở Nhật Bản, đã tạo ra emoji nổi tiếng đầu tiên vào năm 1999. Có những emoji khác xuất hiện từ hai năm trước, nhưng bộ emoji năm 1999 trở nên phổ biến ở Nhật Bản, vì các nhà mạng di động đã thêm nó vào các tính năng nhắn tin của mình.
Theo cuộc phỏng vấn của Shigetaka Kurita với trang tin tức Vice, emoji đầu tiên từng được tạo ra là một biểu tượng trái tim. Khuôn mặt với nhiều cảm xúc khác nhau, lấy cảm hứng từ những người mà nhà thiết kế nhìn thấy trong thành phố. Bộ đầu tiên bao gồm tổng cộng 176 biểu tượng, biểu thị những thứ như cảm xúc, thời tiết, thể thao và các vật dụng hàng ngày.
Năm 2010, emoji đã được thêm vào tiêu chuẩn Unicode và điều đó cho phép những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Google mang emoji đến với người dùng của mình, thông qua những thiết bị do các hãng này sản xuất. Khi người dùng iPhone và Android có thể thêm những hình ảnh nhỏ dễ thương đó vào tin nhắn và bài đăng của mình, họ cũng cảm thấy vui vẻ hơn. Emoticon, từng “thống trị” tin nhắn văn bản, giờ ngày càng ít được sử dụng hơn.
Như bạn đã biết, đến bây giờ emoji đã đẩy khá nhiều emoticon ra khỏi các cuộc trò chuyện trực tuyến. Nhưng nếu bạn vẫn còn hoài cổ về Shruggie, có một số trang web để sao chép và dán emoticon, emoji, v.v… để tham khảo như: copyshrug.com, lennyfaces.net, kawaiiface.net, copyandpasteemoji.com, megaemoji.com hay lenny-face-generator.textsmilies.com
Emoji đã chiếm lĩnh các cuộc trò chuyện trên messenger, caption trên Instagram và đôi khi là cả email. Vì vậy, nếu bạn định sử dụng chúng, hãy cứ dùng chúng theo cách bạn muốn!
Có rất nhiều thủ thuật cho phép bạn có được nhiều emoji hơn để lựa chọn hoặc đưa ra phản hồi emoji phù hợp nhanh hơn. Bạn có thể mở rộng lựa chọn của mình bằng bàn phím emoji thay thế, sử dụng tính năng văn bản dự đoán để yêu cầu điện thoại thay thế văn bản bằng emoji, v.v… Các khả năng là vô tận.
Nếu bạn không chắc chắn làm thế nào để sử dụng emoji, hãy tham khảo một số bài viết trên THPT Phạm Hồng Thái như hướng dẫn bật bàn phím biểu tượng cảm xúc trên iPhone, cách chèn biểu tượng cảm xúc (mặt cười) trong email Outlook, bạn đã biết cách dùng biểu tượng cảm xúc trên Windows 10?, v.v… để biết thêm chi tiết.