Phản ứng hóa học là gì? diễn biến của phản ứng hóa học, ví dụ và bài tập – Hóa 8 bài 13

Trong thực tế, có nhiều phản ứng hóa học mà các em đã được thấy, ví dụ như đánh que diêm lấy lửa, đốt cháy nhiên liệu, thức ăn bị hôi thiu, hay xem bắn pháo hoa vào các dịp lễ, tết,…

Vậy phản ứng hóa học là gì? khi nào xảy ra phản ứng hóa học, nhận biết như thế nào và diễn biến của phản ứng hóa học ra sao? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

I. Phản ứng hóa học là gì?

• Định nghĩa: Quá trình biến đổi từ chất này thành chất khác gọi là phản ứng hóa học.

– Chất ban đầu, bị biến đổi trong phản ứng gọi là chất phản ứng (hay chất tham gia).

– Chất mới sinh ra gọi là sản phẩm

Phương trình chữ của phản ứng hóa học như sau:

 Tên các chất phản ứng → Tên các sản phẩm

Lưu ý cách đọc: 

 Dấu “→” đọc là tạo thành (hay sinh ra)

 Dấu “+” phía trước dấu “→” đọc là tác dụng với (hay phản ứng với, hóa hợp với)

 Dấu “+” phía sau dấu “→” đọc là: và

Ví dụ về phản ứng hóa học:

(1) Lưu huỳnh + Sắt → Sắt(II) sunfua

   (Chất tham gia)        (Sản phẩm)

⇒ Đọc là: Lưu huỳnh tác dụng với Sắt tạo thành Sắt(II) sunfua

(2) Canxicacbonat  Canxioxit + khí cacbonic

 (Chất tham gia)        (Sản phẩm)   (Sản phẩm)

⇒ Đọc là: Canxicacbonat sinh ra Canxioxit  và khí cacbonic

• Trong quá trình phản ứng, lượng chất phản ứng giảm dần, lượng sản phẩm tăng dần.

II. Diễn biến của phản ứng hóa học

– Sơ đồ tường trưng cho phản ứng hóa học giữa khí hidro và khí oxi tạo thành nước như sau:

diễn biến phản ứng hóa học

– Hình a) Trước phản ứng; b) Trong quá trình phản ứng; c) Sau phản ứng.

⇒ Trong phản ứng hóa học chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác.

III. Khi nào xảy ra phản ứng hóa học

Điều kiện để phản ứng hóa học xảy ra:

– Các chất phản ứng tiếp xúc với nhau thì phản ứng xảy ra.

– Tùy vào từng phản ứng cụ thể cần phải đun nóng đến một nhiệt độ nào đó.

– Một số phản ứng cần đến chất xúc tác để cho phản ứng xảy ra nhanh hơn.

 IV. Làm thế nào nhận biết có phản ứng hóa học xảy ra?

– Nhận biết phản ứng hóa học xảy ra dựa vào dấu hiệu có chất mới tạo thành (màu sắc, trạng thái, tỏa nhiệt, phát sáng,…).

V. Bài tập về phản ứng hóa học

* Bài 1 trang 50 SGK Hóa học 8:

a) Phản ứng hóa học là gì?

b) Chất nào gọi là chất phản ứng (hay chất tham gia) là sản phẩm?

c) Trong quá trình phản ứng, lượng chất nào giảm dần, lượng chất nào tăng dần?

° Lời giải bài 1 trang 50 SGK Hóa học 8:

a) Phản ứng hóa học là quá trình biến đổi từ chất này thành chất khác.

b) Chất ban đầu, bị biến đổi trong phản ứng gọi là chất phản ứng. Chất mới sinh ra là sản phẩm.

c) Trong quá trình phản ứng, lượng chất tham gia giảm dần, lượng sản phẩm tăng dần.

* Bài 2 trang 50 SGK Hóa học 8:

a) Vì sao nói được: Khi chất có phản ứng chính là phân tử phản ứng (nếu là đơn chất kim loại thì chất phản ứng là nguyên tử kim loại phản ứng).

b) Trong một phản ứng chỉ xảy ra sự thay đổi gì? Kết quả là gì?

c) Theo hình 2.5 trong bài học hãy rút ra câu trả lời: Số lượng nguyên tử mỗi nguyên tố có giữ nguyên trước và sau phản ứng không?

° Lời giải bài 2 trang 50 SGK Hóa học 8:

a) Khi chất phản ứng chính là phân tử phản ứng vì hạt hợp thành hầu hết từ các chất là phân tử mà phân tử thể hiện đầy đủ tính chất hóa học của chất. Đơn chất kim loại có hạt hợp thành là nguyên tử, nên nguyên tử tham gia phản ứng (tạo ra liên kết với nguyên tử của nguyên tố khác).

b) Trong phản ứng hóa học chỉ có liên kết giữa các nguyên tử thay đổi làm cho phân tử này biến đổi thành phân tử khác. Kết quả là chất này biến đổi thành chất khác.

c) Hình 2.5 là sơ đồ tượng trưng cho phản ứng hóa học giữa khí hiđro và khí oxi tạo ra nước: số nguyên tử của mỗi nguyên tố vẫn giữ nguyên trước và sau phản ứng. Số nguyên tử H là 4 và số nguyên tử oxi là 2.

* Bài 3 trang 50 SGK Hóa học 8: Ghi lại phương trình chữ của phản ứng xảy ra khi cây nến cháy (xem lại bài tập 3, bài 12). Cho biết tên các chất tham gia và sản phẩm trong phản ứng này.

° Lời giải bài 3 trang 50 SGK Hóa học 8:

– Phương trình chữ của phản ứng:

 Parafin + Oxi → Cacbon đioxit + Nước

– Chất phản ứng: parafin và khí oxi

– Sản phẩm: nước và khí cacbon đioxit

* Bài 4 trang 50 SGK Hóa học 8: Ghép vào vở bài tập các câu sau đây với đầy đủ các từ thích hợp chọn trong khung:

Trước khi cháy chất parafin ở thể (1) … còn khi cháy ở thể (2) … Các (3) … parafin phản ứng với các (4) … khí oxi.

° Lời giải bài 4 trang 50 SGK Hóa học 8:

1) rắn.     (2) hơi.     (3) phân tử.     (4) phân tử.

* Bài 5 trang 51 SGK Hóa học 8: Bỏ qủa trứng vào dung dịch axit clohiđric thấy sủi bọt ở vỏ trứng.

Biết rằng axit clohiđric đã tác dụng với canxi cacbonat (chất này có trong vỏ trứng) tạo ra canxi clorua (chất này tan) nước và khí cacbon đioxit thoát ra.

Hãy chỉ ra dấu hiệu nhận biết có phản ứng xảy ra. Ghi lại phương trình bằng chữ của phản ứng.

° Lời giải bài 5 trang 51 SGK Hóa học 8:

– Phương trình chữ của phản ứng:

 Axit clohiđric + Canxi cacbonat → Canxi clorua + Nước + khí cacbon đioxit.

– Chất tham gia: Axit clohiđric và canxi cacbonat.

– Sản phẩm: Canxiclorua, nước và khí cacbon đioxit.

– Dấu hiệu nhận biết có phản ứng xảy ra: hiện tượng sủi bọt khí.

 

* Bài 6 trang 51 SGK Hóa học 8: Khi than cháy trong không khí xảy ra phản ứng hóa học giữa cacbon và khí oxi.

a) Hãy giải thích vì sao cần đập vừa nhỏ than trước khi đưa vào lò đốt dùng que lửa châm rồi quạt mạnh đến khi than bén cháy thì thôi?

b) Ghi lại phương trình chữ của phản ứng biết rằng sản phẩn là khí cacbon đioxit.

° Lời giải bài 6 trang 51 SGK Hóa học 8:

– Phương trình chữ của phản ứng:

a) Đập vừa nhỏ than để tăng bề mặt tiếp xúc của than với khí oxi, dùng que lửa châm để nâng nhiệt độ của than, quạt mạnh để thay đổi không khí nhằm thêm đủ khí oxi. Khi than bén cháy là có phản ứng hóa học xảy ra.

b) Phương trình chữ của phản ứng: Than + oxi → Cacbon đioxit.

Hy vọng với bài viết về Phản ứng hóa học là gì? diễn biến của phản ứng hóa học, ví dụ và bài tập giúp ích cho các em. Mọi góp ý và thắc mắc các em hãy để lại dưới phần nhận xét để Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội ghi nhận và hỗ trợ, chúc các em học tốt.

¤ Các bài viết cùng Chương 2:

» Bài 12: Sự Biến Đổi Chất

» Bài 14: Bài Thực Hành 3 Dấu Hiệu Của Hiện Tượng Và Phản Ứng Hóa Học

» Bài 15: Định Luật Bảo Toàn Khối Lượng

» Bài 16: Phương Trình Hóa Học

» Bài 17: Bài Luyện Tập 3

¤ Có thể bạn muốn xem:

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *