Trong chương trình Ngữ văn, các bạn học sinh hay gặp phải đề bài phân tích bức tranh mùa thu qua bài Thu Điếu của tác giả Nguyễn Khuyến. Để tránh tình trạng phân tích tác phẩm chưa đủ ý hoặc lạc đề. Bài viết hôm nay, Trường THPT Phạm Hồng Thái sẽ gợi ý dàn ý và văn mẫu phân tích bức tranh mùa thu trong tác phẩm Câu cá mùa thu. Hãy cùng nhau đón xem nhé.
I. Dàn ý Phân tích bức tranh mùa thu qua bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến (Chuẩn)
1. Mở bài: phân tích bức tranh mùa thu
Giới thiệu về bức tranh mùa thu trong Câu cá mùa thu
2. Thân bài: phân tích bức tranh mùa thu
a. Hai câu thơ đầu
– Không gian mùa thu được mở ra với hình ảnh “ao thu”, “chiếc thuyền câu” cùng những tính từ gợi cảm giác “lạnh lẽo”, “bé tẻo teo”.
–> khung cảnh mùa thu nơi làng quê Bắc Bộ, những hình ảnh giản dị, thân quen nhưng hài hòa gợi ra cảm giác gần gũi, thanh bình.
b. Câu thơ 3, 4
– Bức tranh mùa thu của Nguyễn Khuyến trở nên mềm mại, sống động hơn với hình ảnh sóng biếc hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo.
– Nghệ thuật lấy động tả tĩnh
– Hình ảnh “lá vàng trước gió” trong làm cho bức tranh mùa thu trở nên mềm mại, tạo sự hài hòa cho bức tranh thu.
c. Câu thơ 5,6
– không gian lại được mở rộng theo chiều cao
– Hình ảnh độc đáo: mây lơ lửng, trời xanh ngắt, ngõ trúc vắng teo
-> Sự đồng điệu trong sắc xanh của bầu trời và mày xanh của trúc làm cho cảnh vật trở nên tịch mịch, hiu vắng, tính từ vắng teo càng gợi sâu thêm cái tĩnh lặng của không gian.
d. Hai câu thơ cuối
– sự xuất hiện của con người trong hai câu thơ cuối vừa góp phần hoàn thiện bức tranh thu vừa thể hiện ý vị sâu xa của người thi sĩ.
– Hình ảnh nhà thơ tựa gối buông cần gợi ra phong thái ung dung, tự tại
– Bộc lộ sự trăn trở, suy tư về thời cuộc
3. Kết bài: phân tích bức tranh mùa thu
Cảm nghĩ về bức tranh thu
II. Bài văn mẫu Phân tích bức tranh mùa thu qua bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến (Chuẩn)
Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, thơ của ông nổi bật với ngôn từ giản dị, văn phong trong sáng mà giàu cảm xúc. Thơ của ông thường gắn với không gian làng quê, với cuộc sống dân giã bình dị, cũng bởi vậy mà Nguyễn Khuyến còn được biết đến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Nguyễn Khuyến có thể kể đến là Câu cá mùa thu, bài thơ là bức tranh mùa thu tuyệt đẹp nơi làng quê Việt Nam, qua đó còn bộc lộ cốt cách thanh cao, tấm lòng gắn bó tha thiết của nhà thơ với thiên nhiên, đất nước, quê hương.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã gợi mở không gian mùa thu vắng vẻ, trong trẻo nhưng cũng hết sức ấn tượng với hình ảnh “chiếc thuyền câu”:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Không gian mùa thu được mở ra với hình ảnh “ao thu”, “chiếc thuyền câu” cùng những tính từ gợi cảm giác “lạnh lẽo”, “bé tẻo teo”. Hai câu thơ không chỉ gợi mở không gian vắng lặng, thanh bình của mùa thu nơi thôn dã mà còn gợi ra những ấn tượng về thị giác “thuyền câu bé tẻo teo” và cảm giác “lạnh lẽo”. Như vậy, với hai câu thơ đầu tiên, Nguyễn Khuyễn đã vẽ ra khung cảnh mùa thu nơi làng quê Bắc Bộ, những hình ảnh giản dị, thân quen nhưng hài hòa gợi ra cảm giác gần gũi, thanh bình.
Bức tranh thu dần được hoàn thiện bằng những hình ảnh đặc sắc, sinh động:
“Sóng biếc theo làn hơi gợi tích
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Bức tranh mùa thu của Nguyễn Khuyến trở nên mềm mại, sống động hơn với hình ảnh sóng biếc hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh làm cho bức tranh thu trở nên thật đặc biệt, trong không gian tĩnh lặng, bằng trái tim giàu yêu thương, gắn bó nhà thơ vẫn cảm nhận được những chuyển động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, qua đó thu trọn vào tầm mắt vẻ đẹp giản dị mà đầy tinh tế của thiên nhiên khi vào thu.
“Lá vàng” vốn là hình ảnh quen thuộc khi miêu tả về mùa thu, gợi nỗi buồn, sự tàn úa , thế nhưng sự xuất hiện của chiếc lá vàng trước gió trong “Câu cá mùa thu” lại mang cảm giác hoàn toàn khác biệt, chiếc lá làm cho bức tranh mùa thu trở nên mềm mại, tạo sự hài hòa cho bức tranh thu.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Nếu như trong hai câu thơ đầu, không gian mùa thu được gợi mở theo chiều rộng của ao thu thì trong hai câu thơ cuối, không gian lại được mở rộng theo chiều cao, người thi nhân đã hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận trạng thái thảnh thơi, phiêu dạt của những đám mây “lơ lửng”, thu vào tầm mắt sắc xanh biếc của bầu trời.
Cảnh thu đẹp nhưng thật tĩnh lặng, không gian bầu trời được lắng đọng, cụ thể bằng cái quanh co của “ngõ trúc”. Sự đồng điệu trong sắc xanh của bầu trời và mày xanh của trúc làm cho cảnh vật trở nên tịch mịch, hiu vắng, tính từ vắng teo càng gợi sâu thêm cái tĩnh lặng của không gian.
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
6 câu thơ đầu tiên, Nguyễn Khuyến đã tập trung miêu tả không gian mùa thu đẹp nhưng vắng lặng, sự xuất hiện của con người trong hai câu thơ cuối vừa góp phần hoàn thiện bức tranh thu vừa thể hiện ý vị sâu xa của người thi sĩ.
Hình ảnh nhà thơ tựa gối buông cần gợi ra phong thái ung dung, tự tại, dường như mải đắm chìm trong không gian, cảnh sắc mùa thu mà chỉ một tiếng động nhẹ của cá cũng khiến nhà thơ phải giật mình. Một lần nữa nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng một cách hiệu quả, cái động của cá dưới chân bèo cũng như những biến động, rối ren của xã hội phong kiến đương thời.
Khi viết bài thơ này Nguyễn Khuyến đã về quê ở ẩn nhưng những biến động của xã hội vẫn khiến nhà thơ không thôi trăn trở, suy tư, đó là cái trăn trở của một con người yêu nước, thương dân, luôn hướng đến thời cuộc.
Câu cá mùa thu là một trong những thi phẩm xuất sắc viết về mùa thu, bài thơ không chỉ gợi mở không gian mùa thu yên bình, giản dị nơi làng quê mà còn bộc lộ tấm lòng gắn bó của nhà thơ với đất nước, thời cuộc.
———————-HẾT—————
Kết luận:
Câu cá mùa thu là bài thơ thu đặc sắc của nhà thơ Nguyễn Khuyến, khám phá vẻ đẹp của bức tranh thu nơi làng quê đồng đồng thời thấy được những tâm sự thầm kín của nhà thơ, bên cạnh Phân tích bức tranh mùa thu qua bài Câu cá mùa thu của Nguyễn Khuyến, các em có thể tham khảo thêm những bài viết hay phân tích tác phẩm Ngữ Văn lớp 10 mà Trường THPT Phạm Hồng Thái đã cập nhật nhé.