Đề bài: Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương
Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương
I. Dàn ý Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, vấn đề – kết thúc của truyện “Chuyện người con gái Nam Xương”.
2. Thân đoạn
a. Kết thúc truyện có hậu, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng của nhân dân
– Vũ Nương được Linh Phi cứu mạng.
– Vũ Nương được lập đàn giải oan, được rửa sạch mối nghi ngờ.
b. Kết thúc ẩn hiện bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến bất công
– Vũ Nương được trở về minh oan nhưng chỉ thấp thoáng, ẩn hiện rồi biến mất, không có được hạnh phúc trọn vẹn.
– Sự trở về của Vũ Nương chỉ là ảo ảnh an ủi người ở lại, hạnh phúc thực sự không được tồn tại.
c. Ý nghĩa của kết thúc truyện
– Thể hiện chân lý và khát vọng ngàn đời của nhân dân về công bằng, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.
– Thể hiện niềm thương cảm của tác giả với số phận người phụ nữ bi thảm trong xã hội phong kiến xưa.
3. Kết đoạn
Khẳng định ý nghĩa của kết truyện và tấm lòng, tài năng của tác giả.
II. Những Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương hay nhất
1. Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 1 (Chuẩn)
“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm viết về cuộc đời và số phận trái ngang của nàng Vũ Nương- người con gái đức hạnh nhưng phải chịu nỗi oan khuất khủng khiếp. Truyện có sự đan xen giữa yếu tố hiện thực và kì ảo. Nếu cuộc đời Vũ Nương là hiện thực bất công, tàn nhẫn thì phần kết truyện lại được đan lồng yếu tố kì ảo để gửi gắn những quan điểm, thông điệp đầy nhân văn của tác giả. Trước hết, có thể thấy “Chuyện người con gái Nam Xương” kết thúc có hậu, thể hiện được ước mơ về lẽ công bằng của nhân dân. Sau khi Vũ Nương trầm mình xuống dòng Hoàng Giang, nàng đã được Linh Phi cứu giúp, không những thế nàng còn được rửa sạch nỗi oan khuất, được trở về dương gian gặp lại chồng con một lần cuối cùng. Vũ Nương trở về trong dáng vẻ uy nghi “ngồi trên chiếc kiệu hoa”, “theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông…” chi tiết đó cho thấy Vũ Nương là hiện thân của cái thiện, dù trải qua bao oan khuất phải đấu tranh với cái ác thì cuối cùng cũng được minh oan và trở về trong sự uy nghi. Kết như vậy cũng là chủ ý của tác giả muốn thể hiện ước mơ muôn thuở của nhân dân về những kết cục có hậu, về sự công bằng, cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác. Tuy nhiên, kết thúc truyện ấy vẫn ẩn chứa bi kịch, Vũ Nương dù được trở lại dương gian nhưng lại không thể có được hạnh phúc trọn vẹn. Nàng đã được giải oan nhưng chẳng thể trở lại cuộc sống nhân gian cùng chồng con, sự trở về chỉ là chút an ủi cho số phận oan nghiệt của nàng. Như vậy, qua kết thúc truyện, tác giả không chỉ đề cao lòng nhân ái, chính nghĩa, sự công bằng trong mơ ước của nhân dân mà còn thể hiện lòng cảm thương sâu sắc tới nàng Vũ Nương nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.
2. Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 2 (Chuẩn)
Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ ta thấy được những bất công của chế độ phong kiến xưa mà còn cảm thương cho thân phận của những người phụ nữ đức hạnh nhưng phải chịu số phận ngang trái. Tinh thần nhân đạo ấy được thể hiện rõ nét qua phần kết thúc truyện. Vũ Nương sau khi nhảy xuống sông Hoàng Giang, trên thực tế nàng đã chết, nhưng trong thế giới khác nàng vẫn còn đó và tiếp tục chờ đợi được minh oan, nỗi oan chưa giải nàng chưa thể chết thực sự. Nàng nhắn gửi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng để nàng có thể thanh thản cõi lòng để có thể luân hồi chuyển kiếp. Trương Sinh đã “lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang”, và Vũ Nương cuối cùng trải qua bao oan khuất, đắng cay, tủi nhục và đánh đổi bằng cái chết đã được trở lại dương thế, ngồi trên kiệu hoa nghinh rước về giải oan. Kết thúc thể hiện những mơ ước, khát khao của nhân dân về sự công bằng ở đời. Tuy nhiên trong cái kết có phần có hậu ấy vẫn chứa đựng bi kịch không thể tránh khỏi, Vũ Nương trở về dương thế uy nghi, rực rỡ là thế nhưng lại “lúc ẩn, lúc hiện”, không thể về bên cạnh chồng con, chỉ có thể đứng giữa dòng sông mà đa tạ chân tình, nàng không thể trở về sống trên dương gian được nữa. Giải oan chỉ là giải oan, không thể khiến cho người đã chết sống lại, sai lầm của Trương Sinh mãi mãi vẫn phải trả giá, “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất” ấy cũng là lúc trở về thực tại thật sự. Một kết truyện có thể gọi là hoang đường ấy nhưng lại mang lại nhiều giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc, vừa tăng tính hấp dẫn cho truyện để lại dấu ấn trong lòng người đọc, vừa truyền tải hiện thực về sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội phong kiến từ đó bày tỏ niềm cảm thương sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ nhỏ bé.
3. Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương, mẫu 3 (Chuẩn)
Trong phần kết truyện của “Chuyện người con gái Nam Xương”, tác giả Nguyễn Dữ đã đưa những yếu tố kì ảo để gửi gắm ước mơ của nhân dân về lẽ công bằng ở đời đồng thời phản ánh hiện thực tàn nhẫn. Vũ Nương sau khi bị chồng nghi oan, thanh minh không được nàng nhảy sông Hoàng Giang tự vẫn. Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp, nàng được sống trong một thế giới khác nhưng nỗi oan vẫn luôn mang theo bên mình. Cuối cùng nhờ có đàn giải oan của Trương Sinh nàng đã được nghinh đón trở về để tận mắt thấy chồng giải oan cho mình, nỗi oan không còn nhưng hạnh phúc lại không trọn vẹn. Tuy kết thúc đã thỏa mãn ước mơ bao đời của nhân dân về công bằng, rằng ở hiền gặp lành nhưng vẫn còn đó bi kịch cuộc đời. Vũ Nương mong ước cả đời vui vẻ êm ấm bên gia đình thì nay đã phải chấp nhận âm dương cách biệt không thể trở lại được nữa. Trương Sinh chỉ vì ghen tuông mà đẩy vợ mình đi đến bước đường cùng thì nay phải chấp nhận sống một mình nuôi con, sống với nỗi đau mất mát, giày vò, hối hận. Không còn hạnh phúc cũng không còn mái ấm trọn vẹn mà mãi mãi là bi kịch đau thương. Với chi tiết kết thúc truyện, ta cảm nhận rõ tấm lòng bao dung, nhân đạo của Nguyễn Dữ, bằng cách nào đó ông vẫn cố gắng để người phụ nữ trong tác phẩm của mình có được hậu phần tốt đẹp, tuy nhiên vẫn tôn trọng hiện thực và để hiện thực đó răn dạy, nhắc nhở người đọc.
—————-HẾT—————–
Tiếp theo là một số các bài văn phân tích cùng chủ đề với tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương. Các em có thể tham khảo và hệ thống hóa kiến thức để học thật tốt tác phẩm này: Đoạn văn Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương, Đoạn văn Phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích lời thoại của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.
Từ khoá liên quan:
doan van phan tich ket thuc chuyen nguoi con gai nam xuong
, suy nghi ket thuc chuyen nguoi con gai nam xuong, suy nghi ket thuc chuyen nguoi con gai nam xuong,