Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh

Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, hướng dẫn cách làm, lập dàn ý chi tiết và tham khảo những bài văn mẫu 11 hay phân tích nội dung tác phẩm Chiều tối (Hồ Chí Minh).

I. Hướng dẫn phân tích bài thơ Chiều tối

Để làm được một bài văn phân tích Chiều tối hay và đạt yêu cầu, trước hết các em cần phải xác định đúng yêu cầu của đề (về nội dung, hình thức, phạm vi dẫn chứng…).

1. Phân tích yêu cầu đề bài

– Yêu cầu về nội dung: phân tích nội dung, nghệ thuật bài thơ Chiều tối (Mộ)

– Phạm vi tư liệu dẫn chứng: các câu thơ, từ ngữ, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh.

– Phương pháp lập luận chính: phân tích.

2. Luận điểm bài Chiều tối

Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên chiều tối trên đường chuyển lao.

+ Thời gian và hoàn cảnh

+ Hình ảnh cánh chim

+ Hình ảnh chòm mây

Luận điểm 2: Bức tranh đời sống sinh hoạt của con người.

+ Hình ảnh thiếu nữ xay ngô

+ Hình ảnh lò than rực hồng

II. Lập dàn ý phân tích bài thơ Chiều tối chi tiết nhất

1. Mở bài phân tích Chiều tối

– Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh:

+ Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa, một chính trị gia, nhà tư tưởng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là một cây bút lớn của nền văn học dân tộc với nhiều tác phẩm thơ, văn xuôi đặc sắc.

– Giới thiệu khái quát về bài thơ: Chiều tối là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Bác thể hiện cảm hứng trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo.

2. Thân bài phân tích Chiều tối

Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên chiều tối trên đường chuyển lao.

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không)

– Thời gian và hoàn cảnh:

+ Thời gian: chiều tối

+ Hoàn cảnh: chặng cuối của một ngày chuyển lao đày ải, cực khổ

– Cảnh thiên nhiên được vẽ bằng những nét vẽ đậm: “chim” – “mỏi”, “chòm mây” – “trôi nhẹ”.

-> Bức tranh nên thơ, yên bình của cuộc sống

– Hình ảnh cánh chim:

+ Ý nghĩa tả thực: cánh chim chiều nên dáng bay mệt mỏi nhưng hướng bay có mục đích: về rừng tìm chốn ngủ.

-> Chiều tối với vạn vật là sự trở về nghỉ ngơi. Hoạt động của chim có động lực thúc đẩy

+ Ý nghĩa liên tưởng:

  • Giữa chủ thể trữ tình và hình ảnh cánh chim có nét tương đồng là đều mệt mỏi, chim bay liên tục, người tù cũng đi liên tục.
  • Nét khác biệt: chim cố gắng bay về tổ ấm còn người tù tiếp tục đi cũng chỉ đến một nhà lao khác; nếu chim có động lực thúc đẩy thì người tù chẳng có động lực nào cả.

=> Ẩn sâu là nỗi nhớ nhà, nhớ nước của người con bị tù đày ở nơi xa xứ

– Hình ảnh chòm mây:

+ Ý nghĩa tả thực: chòm mây lẻ loi trôi lững lờ giữa tầng không

+ Ý nghĩa liên tưởng: đám mây lẻ loi giữa bầu trời cũng như sự lẻ loi cô đơn của người tù giữa núi rừng bao la.

=> Hồ Chí Minh đã phác họa nên một bức tranh vừa cổ điển nhưng rất bình dị, gần gũi.

=> Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Bác: nhạy cảm, tinh tế, yêu thiên nhiên tha thiết, nghị lực, bản lĩnh phi thường.

Luận điểm 2: Bức tranh đời sống sinh hoạt của con người.

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng)

– Những hình ảnh đời sống dân dã, đời thường:

+ “sơn thôn thiếu nữ”: hình ảnh người thôn nữ cùng với công việc lao động giữa miền sơn cước

-> Hình ảnh thiếu nữ xay ngô là trung tâm của bức tranh, thể hiện vẻ đẹp khỏe khoắn của người lao động.

=> Sự xuất hiện của thiếu nữ xay ngô khiến bài thơ có tiến triển mới:

  • Thiên nhiên đi vào nghỉ ngơi nhưng nhịp sống con người vẫn dẻo dai
  • Cảnh trong hai câu đầu rất tĩnh còn ở hai câu cuối này nhờ hoạt động con người mà trở nên sinh động hơn

+ “lò than rực hồng” trong đêm tối như đang nhen nhóm lên niềm vui, niềm lạc quan, xua tan đi cảm giác lạnh lẽo, cô đơn trong lòng người xa xứ. -> Nghệ thuật lấy sáng tả tối, lấy không gian để tả thời gian

+ “Hồng” là hơi ấm, là ánh sáng, niềm vui và sự tin yêu.

=> Mạch thơ có sự vận động: từ tối đến sáng, từ buồn đến vui, thể hiện cái nhìn lạc quan, hướng tới tương lai của tác giả.

3. Kết bài Chiều tối

– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

+ Nội dung bài Chiều tối: Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh

+ Đặc sắc nghệ thuật: Đậm màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại; bút pháp chấm phá, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế; điệp ngữ chuyển tiếp, cách dùng từ linh hoạt; ngôn từ tả ít, gợi nhiều, ý tồn tại ngoài lời.

– Cảm nhận của em về bài thơ Chiều tối.

Trên đây là dàn ý chi tiết đối với yêu cầu phâ tích bài thơ Chiều Tối (Mộ) mà các em cần lưu ý để hoàn thành tốt hơn bài làm của mình.

4. Sơ đồ tư duy phân tích bài Chiều tối

So do tu duy phan tich bai tho Chieu toi

Xem chi tiết: Sơ đồ tư duy Chiều tối

Với dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Chiều tối của Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội trên đây, các em có thể triển khai thêm câu từ cho các nhóm nội dung chính theo tư duy, cảm nhận riêng của mình về tác phẩm này. Có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu phân tích Chiều tối được tổng hợp phía dưới đây để mở rộng vốn từ cho bài viết của mình.

III. Top 5+ bài văn hay phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh

1. Bài văn phân tích Chiều tối hay mẫu số 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một người chiến sĩ quốc tế luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và khát khao giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời Bác dành cho sự nghiệp cách mạng không chỉ vậy Bác còn là một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn chương. Cảm hứng thi sĩ đến bất cứ lúc nào với người chiến sĩ cộng sản dù cho khi bị giam bắt, tù đày nhưng không thể giam cầm được tâm hồn của Người. Bài thơ “Chiều tối” là tác phẩm được sáng tác khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ nhưng vẫn thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người và tinh thần lạc quan, có niềm tin vào tương lai tươi sáng của Hồ Chí Minh.

Vào tháng 8 năm 1942 Bác sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sau nửa tháng đi bộ đến Túc Vinh tỉnh Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong suốt mười ba tháng, những tháng ngày bị tù đày ấy Bác đã sáng tác tập thơ “Nhật kí trong tù” bằng chữ Hán với số lượng 134 bài. Trong đó bài thơ “Chiều tối” là bài số 31 khi Người bị thiên chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo năm 1942. Trong khoảnh khắc chiều tà mênh mông cùng với tâm hồn thi nhân đã tạo cảm hứng để người tù sáng tác gửi gắm vào thơ ca tâm trạng, tình cảm của mình. Nổi lên trong bài thơ là hình ảnh thiên nhiên và con người lao động nơi đất khách quê người.

Chiều tối” được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu thơ đầu Bác đặc tả cảnh thiên nhiên núi rừng với hai hình ảnh tiêu biểu cánh chim mỏi mệt và đám mây cô đơn:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Với bút pháp chấm phá điểm nhãn, ước lệ tượng trưng mang đậm chất cổ điển của thi pháp phương Đông Bác đã khắc họa hình ảnh cánh chim mỏi mệt đang bay tìm chốn ngủ. Đó là chi tiết gợi không gian mênh mông, gợi ý niệm thời gian buổi chiều đã về. Trong thơ ca không ít lần ta có bắt gặp hình ảnh cánh chim ấy là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có viết: “Chim hôm thoi thót về rừng” hay của bà Huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” rồi trong “Tràng giang” của Huy Cận là hình ảnh “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa”.

Từ “quyện” trong câu thơ mang nghĩa mỏi mệt chỉ tâm thế tồn tại của con người, là định ngữ cho danh từ “điểu”, được dùng để đặc tả cho hình ảnh cánh chim. Cánh chim ở đây không chỉ được Bác quan sát trong sự vận động mà còn được cảm nhận từ bên trong là “Chim mỏi”. Nhà thơ đã dùng cái hữu hạn của cánh chim để nói cái vô hạn của bầu trời. Trong khoảng trời mênh mông ấy chỉ có cánh chim nhỏ nhoi bay với đôi cánh mệt mỏi. Bác đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tả hoạt động của tự nhiên để gợi thân phận, tâm trạng của mình. Ở đây vừa có sự đối lập vừa có nét tương đồng.

Đối lập là nếu con chim bị lạc đàn, bay mỏi sau một ngày kiếm ăn vất vả nhưng vẫn thoải mái tự do vào rừng tìm chốn ngủ còn nhà thơ vẫn bị kìm kẹp, giam cầm. Tương đồng tâm trạng giữa người tù và cánh chim chiều. Phải chăng sau một ngày đi đường dài cổ đeo gông chân vướng xiềng Bác đã thấm mệt nên nhìn cánh chim bay Bác cũng cảm nhận được điều ấy, Bác cũng muốn được nghỉ ngơi sau ngày tù dài lê bước “Năm mươi ba cây số một ngày / Áo mũ dầm mưa rách hết giày”. Cội nguồn của sự đồng điệu ấy là tình yêu vô bờ mà Bác dành cho sự sống của vạn vật.

Không chỉ vậy Người còn quan sát thấy hình ảnh đám mây trôi chầm chậm trên nền trời mênh mông, bao la gợi ý niệm lữ thứ, cô đơn. Đây cũng là một thi liệu rất quen thuộc trong thơ xưa. Thôi Hiệu đã từng viết: “Bạch vân thiên tải không du du” (Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay) hay đó là đám mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến với câu “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”.

Tuy nhiên mây trong thơ Bác không gợi sự vĩnh viễn mà mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi của người khách băn khoăn không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu nhưng trong bản dịch chưa thực sự lột tả được ý nghĩa của từ “cô”. Chỉ với vài nét đặc tả, chấm phá lấy linh hồn của thiên nhiên mà vẽ nên một bức tranh buổi chiều tối ảm đạm, yên ả. Cánh chim và đám mây đã từng xuất hiện trong thơ Lý Bạch: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn”. Đó là nét cổ điển mà Hồ Chí Minh kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại thể hiện ước muốn được tự do, được nghỉ ngơi như cánh chim, như đám mây trên trời cao.

Trong hai câu thơ đầu chỉ đặc tả cảnh thiên nhiên nhưng ẩn đằng sau lớp ngôn từ đó là tư thế và tâm hồn của thi nhân. Ta không thấy có chân dung của người tù khổ ải mà chỉ thấy phong thái ung dung, tao nhã của thi nhân mặc khách dù chân vướng xiềng lê từng bước trên đường đi, cảnh chiều mênh mông rợn ngợp nhưng tâm hồn Bác vẫn hướng về thiên nhiên, quát sát từng chi tiết vận động của cảnh vật. Nếu không phải là một người yêu thiên nhiên tha thiết, một con người có nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh làm sao có được sự tự do về tinh thần. Nhà lao, xiềng xích có thể giam cầm thân thể Bác chứ không thể trói buộc được tâm hồn thi nhân.

Trên nền cảnh của thiên nhiên hình ảnh con người bỗng hiện lên trong thơ Bác. Con người ở đây là thiếu nữ đang lao động giữa chốn núi rừng mênh mông như một điểm sáng làm cho bức tranh đời sống trở nên có hồn có thần sắc vui tươi hơn:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Hình ảnh con người và cuộc sống được nối tiếp hiện lên qua hai câu thơ. Thiếu nữ ở đây là người con gái (bé gái) trong lứa tuổi dưới thanh nữ chứ không phải như bao bài phân tích khác là cô gái. Hình ảnh bé gái đang xay ngô trong đêm tối là để hô ứng với cánh chim cô đơn, lẻ loi bên trên cô độc đối diện với cối xay. Ngòi bút của Bác hướng đến sự vận động của con người. Đây là một nét hiện đại, mới mẻ trong thơ Hồ Chí Minh. Thiếu nữ miền sơn cước toát giữa núi rừng mênh mông không những không bị hòa tan với thiên nhiên mà nổi bật chói lòa trong không gian ấy.

Không giống như những bài phân tích khác tôi nhận thấy qua cấu trúc liên miên đối ở các từ “ma bao túc” câu trên và “bao túc ma hoàn” câu dưới cho thấy con người ở đây đang phải lao động vất vả, nặng nề, triền miên, kéo dài trong đêm. Trong mạch vận động của của thời gian ở nguyên tác không hề nhắc đến chữ “tối” nhưng với bản dịch thơ người dịch cho thêm vào làm mất đi sự thú vị của ý thơ, khiến cho câu thơ mất đi nét đẹp của ý tại ngôn ngoại không cần nhắc đến nhưng vẫn hiện ra là một đêm tối bao phủ.

Trong câu thơ “Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” theo tôi đó là sự nối tiếp công việc, kết thúc một công việc lại mở ra một công việc mới, nhà thơ đã dùng hình ảnh bếp lửa được đốt lên để nói sự vận động của thời gian. Từ xưa nay đa số mọi người đều hiểu theo nghĩa là hồng tính từ, làm sáng rực lên hình ảnh con người trong đêm nhưng theo nguyên tác chữ Hán đó hồng của động từ mang ý nghĩa hành động là đốt để đối với từ “ma” (xay). Đây là hiện tượng đồng âm trong tiếng Hán, nếu không cẩn thận tìm hiểu sẽ khiến cho mọi người nhầm lẫn với ý nghĩa khác.

Qua hình ảnh con người trong đêm cho thấy cuộc sống nơi đây cơ cực, khó khăn khiến cho tác giả đồng cảm, đồng điệu. Bác đã dùng vòng xoay của cối xay để nói lên tâm trạng nặng nề của mình, dùng hình ảnh bé gái để nói lên cảm nhận cuộc sống. Nam Cao đã từng viết: “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác” nhưng đối với Hồ Chí Minh thì đi ngược lại với điều đó. Bác là một con người có tấm lòng thương yêu đồng loại đến vô cùng không chỉ là đối với nhân dân Việt Nam mà còn là biết bao những con người cơ cực trên hành tinh này. Đúng như Tố Hữu đã từng viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Bài thơ là thành công của nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và sự cách tân hiện đại trong ý thơ. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ được coi là nhãn tự, là con mắt thần của tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc được Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: “Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối”. Đồng thời chữ “hồng” ấy cũng thể hiện cho niềm tin, hy vọng của Bác vào một tương lai tươi sáng ở ngày mai, đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Dù ở trong hoàn cảnh ngục từ nhưng con người ấy không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, số phận.

Trong thơ Hồ Chí Minh luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ hồng được xuất hiện rất nhiều lần như trong bài “Tảo giải” hiện lên: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn sớm sạch không” hay có câu Bác viết: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” đó là sự lạc quan, niềm tin của Bác vào con đường cách mạng nước nhà, vào cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.

Như vậy chỉ với 28 chữ thất ngôn tứ tuyệt được kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với trái tim thép người chiến sĩ, bài thơ đã làm xúc động người đọc trước tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu tha thiết cuộc sống và sự cảm thông, thương yêu con người của vị cha già dân tộc. Con người Bác là tấm gương sáng để cho biết bao thế hệ đồng bào Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

(Nguồn: Lớp Văn thầy Nhật)

Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) - Tổng hợp văn mẫu

2. Phân tích bài thơ Chiều tối ngắn gọn bài số 2

Hồ Chí Minh là một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với một lòng yêu quý, kính trọng vô bờ bến. Trong quá trình tìm lại tự do cho dân tộc, Bác đã phải chịu rất nhiều khổ cực, gian khó, đã rất nhiều lần bị bắt giam, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác, bị đánh đập, tra tấn dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ở Người vẫn ánh lên một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Bài thơ “Chiều tối” nằm trong tập thơ “Nhật kí trong tù” đã thể hiện được phần nào tinh thần ấy của Người. Bài thơ chỉ đơn giản là tả lại cảnh nơi thôn dã vào một buổi chiều tối, thế nhưng ẩn chứa trong đó là một ước mơ tự do cho bản thân, ước mơ được quay trở lại quê hương để tiếp tục sứ mệnh của mình.

Bài thơ được sáng tác khi Bác bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bức tranh chiều tối được nhìn qua cặp mắt của người tù tay đeo gông chân vướng xiềng:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không.”

Dịch thơ:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.”

Buổi chiều thường là lúc đoàn tụ, nhưng cũng là khi con người ta thấy vô cùng cô đơn nếu không có một chốn để về. Cánh chim mỏi sau một ngày kiếm ăn cũng đã bay về tổ của mình. Trên không trung chỉ còn lững lờ một chòm mây. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ, con người và cảnh vật đều như dừng lại, chỉ có chòm mây ấy vẫn nhẹ nhàng trôi, càng làm nổi bật lên sự yên ắng, êm ả của buổi chiều tối nơi rừng núi. Chòm mây ấy cũng giống như Bác, đang trong tình cảnh tù tội, vẫn phải cô độc bước đi.

Chòm mây cô đơn, lặng lẽ, Bác cũng lặng lẽ, cô đơn. Tuy thế, phải là một người có lòng yêu thiên nhiên, phải có một tâm thái ung dung, bình tĩnh, lạc quan, vượt lên mọi gông cùm về thể xác để ngắm thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên như thế. Thân xác mỏi rã rời vì phải đi cả ngày đường vất vả, nhưng Bác vẫn dõi mắt theo cánh chim về tổ, tầng mây lững lờ trôi lúc chiều về.

Tuy chỉ hai câu thơ bảy chữ, nhưng cũng đã khiến cho người đọc tưởng tượng ra được cảnh chiều muộn nơi rừng núi thật mênh mông, âm u, vắng vẻ, quạnh quẽ. Đồng thời, cũng nói lên niềm mong ước quay trở về với quê hương, ước mong được tự do như đám mây kia.

Trong khung cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm nét buồn lúc chiều muộn nơi rừng núi, bỗng xuất hiện con người:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”

Dịch thơ:

“Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.”

Giữa cảnh buồn của thiên nhiên như trong thơ cổ, cô sơn nữ hiện lên như một điểm sáng, làm cho cả bức tranh trở nên sinh động, vui tươi hơn. Đó chính là nét cố điển mà hiện đại trong thơ của Hồ Chí Minh. Bức tranh vừa có người, vừa có hoạt động khỏe khoắn của con người trong đó. Đó chính là nét đẹp, nét đáng quý của người dân lao động. Cô gái đang miệt mài xay ngô bên lò than rực hồng để chuẩn bị bữa tối.

Ở đây, bản dịch thơ không đảm bảo được nghệ thuật của bản chữ Hán. Bác đã lặp lại hai chữ “bao túc” ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư, như những vòng xay nối tiếp nhau của cô gái, như sự tuần hoàn của thời gian, trời đã tối, tối dần. Bức tranh vừa ấm áp bởi cảnh tượng lao động khỏe khoắn của người thôn nữ lao động, vừa bởi cái ánh hồng của bếp lò. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc bình dị, vậy mà Bác vẫn gạt bỏ hết những đau đớn, mệt mỏi về thân xác để cảm nhận được.

Nhà văn Nam Cao đã viết: “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác được”, để nói rằng, con người ta thường có xu hướng lo cho những đau khổ của bản thân. Thế nhưng, ở Bác Hồ – một người lúc nào cũng lo nỗi lo của dân tộc, của đất nước – vậy mà cũng vẫn luôn quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt nhất, bình dị nhất. Đó chính là nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta.

Bài thơ “Chiều tối” là một bài thơ tiêu biểu cho nét đẹp cổ điển và hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ chỉ đơn giản là tả về phong cảnh thiên nhiên và con người nơi xóm núi khi chiều muộn, đồng thời, cũng ẩn chứa trong đó nỗi niềm ước mong được tự do, được sum họp của Người. Đồng thời, ở Bác, chúng ta vẫn luôn thấy ánh lên một vẻ đẹp của tinh thần quên mình, của một trái tim giàu lòng yêu thương luôn biết quan tâm đến những điều bình dị nhất.

   >>> Tham khảo hướng dẫn chi tiết soạn bài Chiều tối của Hồ Chí Minh để củng cố lại những nội dung chính cần phân tích và làm nổi bật trong bài văn.

3. Phân tích bài thơ Chiều tối bài số 3

Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh được viết từ 2/8/1942 đến 10/9/1943 khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam một cách vô cớ, đày đọa khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong số 133 bài thơ “Nhật ký trong tù” có một số bài ghi lại những thời khắc đáng nhớ trong ngày: Buổi sớm, Buổi trưa, Quá trưa, Chiều hôm, Chiều tối, Hoàng hôn, Nửa đêm… Mỗi bài là một nỗi niềm trong những tháng ngày “ác mộng”.

Chiều tối” (Mộ) là bài thất ngôn tứ tuyệt số 31 trong “Nhật ký trong tù“. Bài thơ số 32 là bài “Đêm ngủ ở Long Tuyền“. Vậy, bài “Chiều tối” ghi lại cảnh xóm núi lúc ngày tàn trên con đường từ Thiên Bảo đến Long Tuyền vào tháng 10/1942.

Đây là nguyên tác bài thơ:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không,

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.

Một cái nhìn man mác, một thoáng ước mơ thầm kín về một mái ấm, một chỗ dừng chân… của nhà thơ trên con đường lưu đày khổ ải muôn dặm, được hé lộ qua bài thơ, đọc qua tưởng như chỉ tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ.

Hai câu đầu tả bầu trời lúc ngày tàn. Hai nét vẽ “động” cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng xa, tìm cây trú ẩn, một áng mây cô đơn, lẻ loi (cô vân) đang lửng lơ trôi (mạn mạn). Cấu trúc hai câu thơ đăng đối, âm điệu thơ nhẹ, thoáng buồn. Người chiến sĩ bị lưu đày ngước mắt nhìn bầu trời, dõi theo cánh chim bay và áng mây trôi nhẹ mà lòng man mác. Rất tinh tế, nét vẽ ngoại cảnh đã thoáng hiện tâm cảnh. Câu thơ dịch của Nam Trân tuy chưa thể hiện được chữ “cô” trong “cô vân” nhưng khá hay:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không”.

Hai câu thơ 1, 2 mang vẻ đẹp cổ điển: tả ít mà gợi nhiều chỉ hai nét phác họa (chim bay, mây trôi) mà gợi lên cái hồn cảnh vật, ngày tàn, màn đêm buông xuống dần, tạo vật như đang chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, mệt mỏi. Nghệ thuật lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh được vận dụng sáng tạo. Nhìn chim bay, mây trôi mà cảm thấy bầu trời bao la hơn, cảnh chiều tối êm ả, tĩnh lặng hơn. Cảnh chiều tối ở xóm núi này còn mang tính ước lệ, nó mở rộng liên tưởng và cảm xúc thẩm mỹ trong tâm hồn mỗi chúng ta,… nhớ về một cánh chim bay trong “Truyện Kiều“: “Chim hôm thoi thót về rừng”; nhớ đến một cánh chim bay mỏi và hình ảnh người lữ thứ trong chiều sương lạnh nhớ nhà:

“Ngàn mai gió cuốn, chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa, khách bước dồn

(Chiều hôm nhớ nhà)

Trở lại bài “Chiều tối“, áng mây cô đơn lẻ loi đang lơ lửng, trôi nhẹ trên bầu trời là hình ảnh ẩn dụ về người lưu đày trên con đường khổ ải xa lắc! Ngôn ngữ thơ hàm súc, biểu cảm, vừa tả cảnh vừa tả tình, thoáng nhẹ mà đầy ấn tượng, dư ba.

Tiếp theo câu cuối 3 – 4 từ cảnh bầu trời tác giả nói về cuộc sống con người nơi núi. Thiếu nữ và lò than hồng là trung tâm của bức tranh này:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.

Một nét vẽ trẻ trung, bình dị, đáng yêu: Thiếu nữ xóm núi đang xay ngô. Ba chữ “ma bao túc” ở cuối câu ba được láy lại “bao túc ma hoàn…” ở đầu câu 4, động tác nhịp nhàng xay ngô, vừa diễn tả sự chuyển động vòng tròn của cái cối đá xay ngô thủ công. Đức tính cần mẫn của thiếu nữ xóm núi được cảm nhận và trân trọng. Nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn đã làm cho thơ liền mạch và có về nhạc điệu. Câu thơ dịch: “Cô em xóm núi xay ngô tối”, với hai chữ “cô em” đã làm lạc phong cách thơ Hồ Chí Minh; chữ “tối” thêm vào đã làm cho ý thơ lộ, còn đâu nữa ý tại ngôn ngoại trong bài thơ chữ Hán này?

Sự vật như nối tiếp theo dòng chảy thời gian mà xuất hiện: Khi ngô xay xong than đã rực hồng, sáng bừng lên, vô cùng ấm áp. Khi màn đêm đã bao mịt mùng, lò than đỏ rực lên, cảnh vật ấy thu hút tâm trí người tù đang bị giải đi. Buồn biết bao cảnh bếp lạnh tro tàn! ấm áp biết bao một ngọn đèn, một bếp hồng trong đêm lạnh. Hình ảnh thiếu nữ xóm núi xay ngô và lò than rực hồng tượng trưng cho một mái ấm đoàn tụ gia đình, nó đã làm vợi đi bao nỗi cô đơn tĩnh mịch.

Hướng về một cảnh sinh hoạt dân dã bình dị: thiếu nữ xay ngô, dõi nhìn bếp lửa, lò than rực hồng, khi chân tay mang nặng xiềng xích, bị giải đi trong chiều tối, Bác đã tìm thấy nơi nương lựa tâm hồn mình. Hình như nỗi cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo bị xua tan. Một thoáng ước mơ thầm kín về một mái ấm gia đình đã đến với nhà thơ trên con đường đi đày xa xứ trong màn đêm buông xuống.

Cảm hứng thơ dào dạt chất nhân bản. Cái bình dị mà đầy chất thơ. Chất thơ ấy là hồn người và tình người. Hai nét vẽ về thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng là hai nét vẽ bình dị, ấm áp, khoẻ và trẻ trung, làm thơ Bác có sự hoà hợp giữa màu sắc cổ điển và chất hiện đại vẻ trung bình dị.

Nhiều bài thơ khác cho thấy trên con đường khổ ải, lưu đày người chiến sĩ cách mạng trong “Nhật ký trong tù” hầu như ít cảm thấy cô đơn, tâm hồn luôn luôn gắn bó với nhịp sống, làm chủ hoàn cảnh và lạc quan yêu đời. Trong cảnh hoàng hôn gió rét căm, vượt lên gian khổ. Người xúc động hướng tới một tiếng chuông chùa, một tiếng sáo mục đồng mà mạnh bước:

“Gió sắc tựa gươm mài đá núi,

Rét như dùi nhọn chích cành cây

Chùa xa chuông giục người nhanh bước,

Trẻ dẫn trâu về tiếng sáo bay”.

(Nam Trân dịch)

Có lúc trong cảnh bị cùm trói “Thừa cơ rét rệp xông vào đánh” mà Người vẫn “thoát ngục” tìm được một chút niềm vui nâng đỡ tâm hồn mình: “Oanh sớm, mừng nghe hót xóm gần” (Đêm ngủ ở Long Tuyền). Điều đó cho thấy, sự sống và tự do là khát vọng của Người. Thiên nhiên và con người hiện diện trong thơ Bác bằng những nét vẽ đẹp, bình dị, đáng yêu, đó là sự sống mà Bác gắn bó, mến yêu suốt đời.

Chiều tối” – một bài thơ đáng yêu: màu sắc cổ điển hàm súc kết hợp với tính chất trẻ trung, hiện đại, bình dị. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ tinh tế, thể hiện một hồn thơ “bát ngát tình”. Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đọa đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống.

  • Các câu hỏi liên quan và các đề văn hay cho bài Chiều tối (Mộ)

Tuyen chon bai van hay phan tich bai tho Chieu toi cua Ho Chi Minh

Tuyển tập văn phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh hay nhất

4. Phân tích bài thơ Chiều tối bài số 4:

Hồ Chí Minh được nhân loại biết đến không chỉ là một vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam mà còn được biết đến như một nhà văn, nhà thơ lớn của thế kỷ XX. Ngoài văn chính luận, người còn để lại cho đời một sự nghiệp thơ ca đáng trân trọng. Trong đó nổi bật nhất là tập thơ Nhật ký trong tù. Tập thơ này như một cuốn nhật ký bằng thơ ghi lại những chặng đường giải lao đầy gian nan vất vả của người tù. Nhưng bằng bản lĩnh thép, tinh thần thép Người đã vượt qua hoàn cảnh tù đày để hướng về ánh sáng. Bài thơ Chiều tối là một trong những sáng tác tiêu biểu nhất của tập Nhật ký trong tù:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng”

Tháng 8/1942, Bác Hồ sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của bạn bè quốc tế về cuộc cách mạng ở Việt Nam. Sau mười lăm ngày đi bộ khi vừa tới thị trấn Túc Vinh, tỉnh Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ và bị “mười bốn trăng tê tái gông cùm” trong gần ba mươi nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian này Người đã sáng tác tập thơ Nhật ký trong tù gồm 134 bài thơ bằng chữ Hán. Bài thơ “Mộ” (Chiều tối) được xem là áng thơ tuyệt bút, được Người làm trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.

Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà trên đường Bác bị giải lao. Chỉ vài nét chấm phá, hai câu đầu của bài thơ đã để lại một tiểu họa về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm “chiều tối”.

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không”

Thiên nhiên hiện lên với hai nét chấm phá: cánh chim và áng mây mang màu sắc cổ thi rõ nét. Hai hình ảnh ấy tạo nên bầu không gian khoáng đãng, cao rộng, thể hiện điểm nhìn lên của tác giả “luôn ngẩng cao đầu trong hoàn cảnh tù đày”. Buổi chiều ấy dường như ta đã bắt gặp đâu đó trong thơ xưa: “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà” hay “Chiều tà bảng lảng bóng hoàng hôn” (Bà Huyện Thanh Quan). Cánh chim và chòm mây vốn là những thi liệu rất quen thuộc trong thơ cổ thường dùng để miêu tả cảnh chiều tối như một bút pháp miêu tả thời gian. Lí Bạch trong bài thơ Độc tọa Kính Đình san cũng đã từng viết:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”

(Chim trời bay đi mất

Mây lẻ trôi một mình)

Điều mới mẻ ở đây là nếu như trong thơ cổ, cánh chim thường bay về chốn vô tận vô cùng, vô định, gợi cảm giác xa xăm, phiêu dạt, chia lìa, mang cái buồn thương u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại gần gũi yêu thương hơn bao giờ hết. Nó chỉ là cánh chim tìm về tổ ấm sau một ngày dài mỏi mệt kiếm ăn. Cái hay nằm ở chỗ, nhìn cánh chim bay mà thấy được “quyện điểu”, thấy được trong dáng bay của cánh chim có sự mỏi mệt của nó. Nghĩa là nhà thơ nhìn thấy được sự vận động bên trong của cánh chim kia. Đây chính là tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh.

Cái nhìn ấy thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật. Đúng như Tố Hữu đã từng viết “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người“. Qua đó ta thấy thêm một nét nghĩa mới: người tù dường như cũng đồng cảm với cánh chim kia, Người như cũng muốn được dừng chân sau một ngày đày ải “Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa rách hết giày”.

Cùng với “Quyện điểu quy lâm”, là “Cô vân mạn mạn”. Bài thơ dịch khá uyển chuyển, nhưng đã làm mất đi vẻ lẻ loi, trôi nổi, lững lờ của đám mây. Người dịch đã bỏ sót chữ “cô” và chưa thể hiện được hết nghĩa của hai từ láy “mạn mạn”. Căn cứ vào phần nguyên âm ta thấy, hình ảnh đám mây cô đơn, lẻ loi đang chầm chậm trôi qua bầu trời. Nó không chỉ làm cho bầu trời thêm cao, thêm khoáng đãng mà còn gợi lên nỗi buồn bâng khuâng của người tù trên đất khách quê người. Nhưng buồn mà không bi lụy, không hiu hắt như trong thơ cổ điển.

Mặc dù câu thơ dịch: “Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không” chưa được sát nghĩa nhưng dù sao cũng thấy cái hay riêng của nó. Chòm mây trôi nhẹ nhàng, nhàn tản như chính tâm hồn người tù chiến sĩ ung dung tự tại, bị giải tù mà như đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều và thả tâm hồn thi sĩ chứ không còn là cảnh tù đày mệt mỏi nữa. Qua đó ta thấy tác giả không hề để lộ cái mệt mỏi, cô đơn của chính mình. Đó chính là tinh thần thép vĩ đại của người tù – thi sĩ Hồ Chí Minh.

Nhìn chung, hai câu đầu bài thơ có phảng phất nỗi buồn của lòng người, của tâm trạng người tù nhưng cảnh buồn mà không chút bi lụy. Thạc sĩ Nguyễn Đức Hùng nhận xét rằng “Những buổi chiều như vậy, đâu có thiếu trong văn chương cổ kim; nhưng nếu cảnh ấy qua cái nhìn của một Lý Bạch tiêu diêu, một Khuất Nguyên u uất chắc chắn sẽ đầy ảm đạm, thê lương. Còn ở đây, nếu không rõ xuất xứ, nhiều người sẽ lầm tưởng “Mộ” là bài thơ của thời Thịnh Đường”.

Cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước có chút hiu hắt vắng lặng gợi lên cái bâng khuâng man mác trong lòng người đọc nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt vốn có của núi rừng. Đó chính là lúc mà đôi mắt yêu thương và trái tim nhân ái bao la của Người bắt gặp vẻ đẹp của con người lao động:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

Sinh thời Hồ Chí Minh chỉ có một ao ước lớn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nghĩa là ao ước của Người luôn hướng về nhân dân, nhân dân ở đây không chỉ hiểu là dân tộc Việt Nam ta mà còn là nhân dân cần lao trên thế giới. Đó chính là tinh thần nhân đạo cao cả của Quốc tế cộng sản.

Câu thơ nguyên bản “Sơn thôn thiếu nữ” dịch là “Cô em xóm núi” đứng trên bình diện nghĩa của từ thì không có gì sai. Nhưng câu thơ dịch đã không thể hiện được cái nhìn trân trọng của nhân vật trữ tình đối với con người; giọng điệu trang trọng của câu thơ nguyên tác không hiện diện trong lời thơ dịch. Người phụ nữ đã nhiều lần có mặt trong thơ chữ Hán, nhưng phần lớn họ đều thuộc giới thượng lưu hoặc chí ít cũng gần gũi với giới thượng lưu.

Phần lớn người phụ nữ trong cổ thi đều mang nỗi buồn thương man mác vì chiến tranh sinh ly tử biệt hay lỡ dở tình duyên, Vương Xương Linh đời Đường từng viết Khuê oán:

“Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu.”

Dịch thơ:

“Cô gái phòng the chửa biết sầu

Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu

Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu

Hối để chồng đi kiếm tước hầu.”

Cái mới ở đây là cũng viết về hình ảnh người phụ nữ nhưng thơ Bác lại viết về người dân lao động với cái nhìn trân trọng yêu thương mang niềm vui của tấm lòng nhân đạo. Hai chữ “thiếu nữ” gợi lên vẻ trẻ trung, tươi tắn của cô gái cùng với hoạt động xay ngô đã làm hiện lên vẻ đẹp khỏe khoắn, nhịp nhàng trong lao động. Hình ảnh này đã làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh mang đến cho bức tranh thơ sức sống và niềm vui lan tỏa. Có lẽ cũng chính vì vậy mà có một nhà phê bình nào đó từng nhận xét rằng “Không rõ trước Hồ Chí Minh đã có một “sơn thôn thiếu nữ” thực sự là người lao động bước vào thế giới của nàng thơ hay chưa?

Chỉ biết rằng việc đặt hình ảnh “sơn thôn thiếu nữ” ở vị trí trung tâm của bức tranh phong cảnh chiều tối đã làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc sống con người. Sự chuyển đổi ấy thể hiện một khuynh hướng vận động của hình tượng thơ và quan điểm nhân sinh của Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng gắn bó với cuộc sống con người nơi trần thế đặc biệt là cuộc sống nhân dân lao động”.

Tính hiện đại ở đây nữa chính là nghệ thuật biểu hiện. Tài hoa của Người là ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà không phải dùng đến một tính từ chỉ thời gian nào. Cả bài thơ không hề có chữ tối nào cả mà người đọc vẫn nhận ra chữ tối. Người dùng ánh lửa đỏ để thể hiện thời gian (trời có tối mới nhìn thấy lò than rực hồng). Hơn nữa, người đọc còn cảm nhận được bước đi của thời gian từ chiều đến tối. Cô gái xay ngô từ khi trời còn ánh sáng; xay xong thì trời đã tối.

Điệp ngữ liên hoàn (điệp ngữ vòng) “ma bao túc – bao túc ma hoàn” đã cho ta cảm nhận được thời gian đang vận động đang xoay theo từng vòng quay của cối xay ngô. Phải chăng Hồ Chí Minh đã có một phát hiện mới trong bút pháp tả thời gian. Rõ ràng, ngay cả khi tả cảnh chiều tối, thơ Hồ Chí Minh vẫn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Vòng quay của chiếc cối chấm dứt, công việc kết thúc (bao túc ma hoàn) thì lò than cũng vừa đỏ (lô dĩ hồng), ánh lửa đỏ ấm nồng xuất hiện thật bất ngờ, tỏa sáng vào đêm tối xua tan đi cái lạnh lẽo hiu hắt của núi rừng. Đó cũng là lúc mà cô gái kia được quây quần bên mâm cơm ấm cúng của gia đình.

Chữ “hồng” nằm ở cuối bài thơ nhưng có một vị trí đặc biệt. Trong nghệ thuật Đường thi, chữ hồng được xem là nhãn tự là con mắt thần. Nó tạo nên cái thần thái đặc biệt cho bài thơ. Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối.

Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt thơ” (Thi nhãn hoặc là nhãn tự, chữ mắt) nó sáng bùng lên, nó căn lại, chỉ một chữ thôi với hai mươi bảy chữ khác dẫn đầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Với chữ “hồng” đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ tình cảm Bác.

Như vậy chữ “hồng” rất xứng đáng là “ông thánh thứ hai mươi tám” của bài thơ. Ánh hồng ấy không chỉ tỏa ra từ chiếc bếp lửa bình dị của một “sơn thôn thiếu nữ” mà chủ yếu được tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Về nét nghĩa khác, chữ “hồng” còn là biểu hiện của cuộc vận động từ bóng tối ra ánh sáng. Thơ Hồ Chí Minh bao giờ cũng vậy, luôn hướng về ánh sáng. Trong bài thơ Tảo giải, chữ “hồng” ấy cũng đã từng xuất hiện:

“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn sớm sạch không”

Chữ “hồng” ấy với chữ “hồng” trong Chiều tối có cùng một nét nghĩa là chỉ ánh sáng, chỉ niềm vui, sự lạc quan của người tù. Con đường cách mạng Việt Nam cũng vậy đi từ trong đêm trường nô lệ, đi trong chông gai để đến với con đường vinh quang.

“Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,

Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài;

Trong ngục giờ đây còn tối mịt,

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.”

(Trích Nhật ký trong tù)

Thành công của bài thơ chính là yếu tố cổ điển kết hợp với hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ và tinh thần thép của người tù cách mạng. Bài thơ đã làm người đọc xúc động trước tình cảm nhân ái bao la của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh dù trong hoàn cảnh tù đày nơi đất khách quê người nhưng Người vẫn vượt lên trên tất cả mọi sự khổ đau, đọa đày về thể xác để đưa đến cho người đọc những vần thơ tuyệt bút.

Qua tìm hiểu và cảm nhận về bài thơ Chiều tối ta càng thêm hiểu, thêm yêu hơn vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Xin được mượn bốn câu thơ của nhà thơ Tố Hữu thay cho lời kết:

“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu, mắt mờ tóc bạc

Mà thơ bay cánh hạc ung dung”

5. Phân tích bài thơ Chiều tối bài số 5:

Bác Hồ khi xưa đã từng nói rằng:

“Làm thơ ta vốn không ham

Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây

Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.

Trong lời giãi bày Bác vốn không ham làm thơ, nhưng khoảng thời gian trong ngục làm thơ ngẫm ngợi để vơi đi nỗi buồn, đồng thời làm thơ cũng là để thể hiện ý chí sắt đá của người chiến sĩ cách mạng. Trong tập Nhật kí trong tù ta không thể không nhớ đến bài thơ Chiều tối, tác phẩm được sáng tác khi Bác chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ đã làm bật lên tinh thần kiên cường của người tù cách mạng.

Mở đầu tác phẩm mở ra khung cảnh bức tranh thiên nhiên chiều tối:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Bức tranh chiều tối được gợi lên từ hai hình ảnh: cánh chim, chòm mây. Cánh chim vốn là thi liệu quen thuộc trong thơ xưa như: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan) hay “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du). Những cánh chim thường gợi về nỗi cô đơn, gợi nhắc, gợi nhớ về một quãng thời gian nào đó.

Còn cánh chim trong thơ Bác lại xuất hiện hoàn toàn khác, sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi, chúng trở về tìm chốn nghỉ ngơi. Chúng bay đi có mục đích, phương hướng, không hề vô định như trong thơ cổ. Cánh chim ấy gợi liên tưởng về sự tương phản với hoàn cảnh của Bác. Chòm mây trên trời cô đơn, lững lờ trôi giữa không gian mênh mông, cái cô độc của chòm mây cũng như chính sự cô đơn, lẻ loi của Bác.

Bức tranh thiên nhiên không còn dừng lại ở miêu tả bề ngoài mà nó còn là bề sâu của tâm cảnh, ta thấy được tình yêu thiên nhiên của người tù. Bằng những quan sát hết sức tinh tế Bác đã nắm bắt được cái thần, cái hồn của cảnh vật, một không gian chiều mơ màng, thanh bình. Không chỉ vậy ta còn thấy được nỗi cô đơn, mệt mỏi của người tù nhân, khi phải trải qua một hành trình dài, di chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác. Nhưng đằng sau nỗi cô đơn ấy còn là một bản lĩnh kiên cường, sắt đá của người chiến sĩ.

Bức tranh của Bác không dừng lại ở đó, từ không gian của thiên nhiên, người tù di chuyển điểm nhìn để thấy hơi thở của cuộc sống sinh hoạt bình dị, đời thường mà vô cùng ấm áp:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Đến đây con người đã trở thành trung tâm của bức tranh. Hiển hiện trong khung cảnh sinh hoạt là người thiếu nữ xóm núi đang xay ngô. Hình ảnh chân thực, bình dị và vô cùng đời thường nhưng lại lấp lánh tỏa sáng. Đó là ánh sáng của tuổi trẻ, của sức sống hừng hực nơi người con gái; ánh sáng tỏa ra từ công việc lao động bình dị; đồng thời còn là vẻ đẹp của mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên: con người là trung tâm, là chủ thể của vũ trụ. Trước thiên nhiên bao la con người không bị lu mờ mà được làm rõ nổi bật hơn.

Câu thơ cuối là sự kết hợp hài hòa giữa nét vẽ cổ điển và nét vẽ lãng mạn. Tính cổ điển được thể hiện ở bút pháp dùng ánh sáng để nói bóng tối. Hình ảnh lò than rực hồng, tỏa rạng một khoảng không gian đã tái hiện thành công bóng tối bao phủ xung quanh đây. Nhưng đồng thời đây cũng là câu thơ hết sức hiện đại. Chữ “hồng” là nhãn tự của bài thơ, làm bừng sáng cả không gian tăm tối đang bao trùm. “Hồng” thể hiện sự vận động theo hướng từ chiều đến tối, từ lạnh lẽo đến ấm áp (ấm của sự sống, của sinh hoạt lao động con người), từ sự cô đơn đến sum họp và từ nỗi buồn đến niềm vui. Đây là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng thể hiện niềm tin, lạc quan vào tương lai tươi sáng của người chiến sĩ cách mạng.

Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ngôn ngữ cô đọng, hàm súc. Bút pháp gợi tả thiên nhiên giản dị, tự nhiên mà vô cùng chân thực. Có sự đan xen, hòa quyện một cách nhuần nhuyễn giữa màu sắc cổ điển và hiện đại.

Chiều tối đã khắc họa thành công bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống của con người nơi núi rừng hoang dã. Đằng sau bức tranh ấy là vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh: luôn mang trong mình tinh thần lạc quan, tin tưởng dù gặp khó khăn vẫn luôn tin rằng ánh sáng đang đợi dân tộc, đất nước nơi cuối con đường.

6. Phân tích bài thơ Chiều tối bài số 6

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một người chiến sĩ quốc tế luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước và khát khao giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời Bác dành cho sự nghiệp cách mạng không chỉ vậy Bác còn là một nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn chương. Cảm hứng thi sĩ đến bất cứ lúc nào với người chiến sĩ cộng sản dù cho khi bị giam bắt, tù đày nhưng không thể giam cầm được tâm hồn của Người. Bài thơ “Chiều tối” là tác phẩm được sáng tác khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ nhưng vẫn thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người và tinh thần lạc quan, có niềm tin vào tương lai tươi sáng của Hồ Chí Minh.

Vào tháng 8 năm 1942, Bác sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, sau nửa tháng đi bộ đến Túc Vinh tỉnh Quảng Tây và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong suốt mười ba tháng, những tháng ngày bị tù đày ấy Bác đã sáng tác tập thơ “Nhật kí trong tù” bằng chữ Hán với số lượng 134 bài. Trong đó bài thơ “Chiều tối” là bài số 31 khi Người bị thiên chuyển từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo năm 1942. Trong khoảnh khắc chiều tà mênh mông cùng với tâm hồn thi nhân đã tạo cảm hứng để người tù sáng tác gửi gắm vào thơ ca tâm trạng, tình cảm của mình. Nổi lên trong bài thơ là hình ảnh thiên nhiên và con người lao động nơi đất khách quê người.

Chiều tối” được viết bằng chữ Hán theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Hai câu thơ đầu Bác đặc tả cảnh thiên nhiên núi rừng với hai hình ảnh tiêu biểu cánh chim mỏi mệt và đám mây cô đơn:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Với bút pháp chấm phá điểm nhãn, ước lệ trượng trưng mang đậm chất cổ điển của thi pháp phương Đông Bác đã khắc họa hình ảnh cánh chim mỏi mệt đang bay tìm chốn ngủ. Đó là chi tiết gợi không gian mênh mông, gợi ý niệm thời gian buổi chiều đã về. Trong thơ ca không ít lần ta có bắt gặp hình ảnh cánh chim ấy là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có viết: “Chim hôm thoi thót về rừng” hay của bà Huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” rồi trong “Tràng giang” của Huy Cận là hình ảnh “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều xa”.

Từ “quyện” trong câu thơ mang nghĩa mỏi mệt chỉ tâm thế tồn tại của con người, là định ngữ cho danh từ “điểu”, được dùng để đặc tả cho hình ảnh cánh chim. Cánh chim ở đây không chỉ được Bác quan sát trong sự vận động mà còn được cảm nhận từ bên trong là “Chim mỏi”. Nhà thơ đã dùng cái hữu hạn của cánh chim để nói cái vô hạn của bầu trời. Trong khoảng trời mênh mông ấy chỉ có cánh chim nhỏ nhoi bay với đôi cánh mệt mỏi. Bác đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tả hoạt động của tự nhiên để gợi thân phận, tâm trạng của mình.

Ở đây vừa có sự đối lập vừa có nét tương đồng. Đối lập là nếu con chim bị lạc đàn, bay mỏi sau một ngày kiếm ăn vất vả nhưng vẫn thoải mái tự do vào rừng tìm chốn ngủ còn nhà thơ vẫn bị kìm kẹp, giam cầm. Tương đồng tâm trạng giữa người tù và cánh chim chiều. Phải chăng sau một ngày đi đường dài cổ đeo gông chân vướng xiềng Bác đã thấm mệt nên nhìn cánh chim bay Bác cũng cảm nhận được điều ấy, Bác cũng muốn được nghỉ ngơi sau ngày tù dài lê bước “Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm mưa rách hết giày”. Cội nguồn của sự đồng điệu ấy là tình yêu vô bờ mà Bác dành cho sự sống của vạn vật.

Không chỉ vậy Người còn quan sát thấy hình ảnh đám mây trôi chầm chậm trên nền trời mênh mông, bao la gợi ý niệm lữ thứ, cô đơn. Đây cũng là một thi liệu rất quen thuộc trong thơ xưa. Thôi Hiệu đã từng viết: “Bạch vân thiên tải không du du” (Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay) hay đó là đám mây xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến với câu “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Tuy nhiên mây trong thơ Bác không gợi sự vĩnh viễn mà mang tâm trạng cô đơn, lẻ loi của người khách băn khoăn không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu nhưng trong bản dịch chưa thực sự lột tả được ý nghĩa của từ “cô”.

Chỉ với vài nét đặc tả, chấm phá lấy linh hồn của thiên nhiên mà vẽ nên một bức tranh buổi chiều tối ảm đạm, yên ả. Cánh chim và đám mây đã từng xuất hiện trong thơ Lí Bạch: “Chúng điểu cao phi tận/ Cô vận độc khứ nhàn”. Đó là nét cổ điển mà Hồ Chí Minh kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại thể hiện ước muốn được tự do, được nghỉ ngơi như cánh chim, như đám mây trên trời cao.

Trong hai câu thơ đầu chỉ đặc tả cảnh thiên nhiên nhưng ẩn đằng sau lớp ngôn từ đó là tư thế và tâm hồn của thi nhân. Ta không thấy có chân dung của người tù khổ ải mà chỉ thấy phong thái ung dung, tao nhã của thi nhân mặc khách dù chân vướng xiềng lê từng bước trên đường đi, cảnh chiều mênh mông rợn ngợp nhưng tâm hồn Bác vẫn hướng về thiên nhiên, quát sát từng chi tiết vận động của cảnh vật.

Nếu không phải là một người yêu thiên nhiên tha thiết, một con người có nghị lực phi thường, bản lĩnh kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh làm sao có được sự tự do về tinh thần. Nhà lao, xiềng xích có thể giam cầm thân thể Bác chứ không thể trói buộc được tâm hồn thi nhân.

Trên nền cảnh của thiên nhiên hình ảnh con người bỗng hiện lên trong thơ Bác. Con người ở đây là thiếu nữ đang lao động giữa chốn núi rừng mênh mông như một điểm sáng làm cho bức tranh đời sống trở nên có hồn có thần sắc vui tươi hơn:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Hình ảnh con người và cuộc sống được nối tiếp hiện lên qua hai câu thơ. Thiếu nữ ở đây là người con gái (bé gái) trong lứa tuổi dưới thanh nữ chứ không phải như bao bài phân tích khác là cô gái. Hình ảnh bé gái đang xay ngô trong đêm tối là để hô ứng với cánh chim cô đơn, lẻ loi bên trên cô độc đối diện với cối xay.

Ngòi bút của Bác hướng đến sự vận động của con người. Đây là một nét hiện đại, mới mẻ trong thơ Hồ Chí Minh. Thiếu nữ miền sơn cước toát giữa núi rừng mênh mông không những không bị hòa tan với thiên nhiên mà nổi bật chói lòa trong không gian ấy. Không giống như những bài phân tích khác tôi nhận thấy qua cấu trúc liên miên đối ở các từ “ma bao túc” câu trên và “bao túc ma hoàn” câu dưới cho thấy con người ở đây đang phải lao động vất vả, nặng nề, triền miên, kéo dài trong đêm.

Trong mạch vận động của của thời gian ở nguyên tác không hề nhắc đến chữ “tối” nhưng với bản dịch thơ người dịch cho thêm vào làm mất đi sự thú vị của ý thơ, khiến cho câu thơ mất đi nét đẹp của ý tại ngôn ngoại không cần nhắc đến nhưng vẫn hiện ra là một đêm tối bao phủ. Trong câu thơ “Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng” theo tôi đó là sự nối tiếp công việc, kết thúc một công việc lại mở ra một công việc mới, nhà thơ đã dùng hình ảnh bếp lửa được đốt lên để nói sự vận động của thời gian.

Từ xưa nay đa số mọi người đều hiểu theo nghĩa là hồng tính từ, làm sáng rực lên hình ảnh con người trong đêm nhưng theo nguyên tác chữ Hán đó hồng của động từ mang ý nghĩa hành động là đốt để đối với từ “ma” (xay). Đây là hiện tượng đồng âm trong tiếng Hán, nếu không cẩn thận tìm hiểu sẽ khiến cho mọi người nhầm lẫn với ý nghĩa khác. Qua hình ảnh con người trong đêm cho thấy cuộc sống nơi đây cơ cực, khó khăn khiến cho tác giả đồng cảm, đồng điệu. Bác đã dùng vòng xoay của cối xay để nói lên tâm trạng nặng nề của mình, dùng hình ảnh bé gái để nói lên cảm nhận cuộc sống.

Nam Cao đã từng viết: “Khi người ta đau chân, người ta không còn tâm trí đâu để nghĩ đến người khác” nhưng đối với Hồ Chí Minh thì đi ngược lại với điều đó. Bác là một con người có tấm lòng thương yêu đồng loại đến vô cùng không chỉ là đối với nhân dân Việt Nam mà còn là biết bao những con người cơ cực trên hành tinh này. Đúng như Tố Hữu đã từng viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Bài thơ là thành công của nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và sự cách tân hiện đại trong ý thơ. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ được coi là nhãn tự, là con mắt thần của tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc được Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: “Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối”. Đồng thời chữ “hồng” ấy cũng thể hiện cho niềm tin, hy vọng của Bác vào một tương lai tươi sáng ở ngày mai, đó là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Dù ở trong hoàn cảnh ngục tù nhưng con người ấy không bao giờ chịu khuất phục trước hoàn cảnh, số phận. Trong thơ Hồ Chí Minh luôn có sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ “hồng” được xuất hiện rất nhiều lần như trong bài “Tảo giải” hiện lên: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng/ Bóng tối đêm tàn sớm sạch không” hay có câu Bác viết: “Trong ngục giờ đây còn tối mịt/ Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” đó là sự lạc quan, niềm tin của Bác vào con đường cách mạng nước nhà, vào cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.

Như vậy chỉ với 28 câu thơ thất ngôn tứ tuyệt được kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ với trái tim thép người chiến sĩ, bài thơ đã làm xúc động người đọc trước tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu tha thiết cuộc sống và sự cảm thông, thương yêu con người của vị cha già dân tộc. Con người Bác là tấm gương sáng để cho biết bao thế hệ đồng bào Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

7. Bài văn phân tích bài thơ Chiều tối đạt điểm cao – Mẫu số 7

Ai đó đã nói rằng: “Điều kì diệu tuyệt đỉnh của nghệ thuật, đặc biệt thi ca, là ở nơi đó ta có thể tự do sắp đặt một thế giới riêng như mình khao khát. Thế giới ấy dẫu ảo huyền hay u ám tới đâu cũng phải thấm đẫm tính nhân văn cao cả, hướng nhân loại tới sự cao đẹp.” Thi ca bao giờ cũng thế, phải gắn mình vào nguồn mạch cuộc sống, nếu thi nhân quay lưng với cuộc sống, mải mê với chuyện đúc chữ, luyện câu, mọi giá trị văn chương chỉ còn là kỹ xảo. Sức nặng của những trang thơ chính từ cuộc đời đầy nắng gió ngoài kia mà tạo thành, nhà thơ phải đến đó để viết lên từ thứ mực được chưng cất từ chính hiện thực cuộc sống, dù nó có thế nào đi chăng nữa thì thơ anh vẫn phải “thấm đẫm tính nhân văn cao cả” và phải “hướng nhân loại tới sự cao đẹp”.

Hồ Chí Minh đến với thơ ca cũng vậy, những trang thơ của Người mang đậm trong mình chất “thép”, đó chính là cảm hứng đấu tranh tích cực, là tính chiến đấu của thơ ca và văn học nghệ thuật. Người luôn biến những thứ tầm thường thành thú vui tiêu khiển, tạm quên đi cảm giác khó nhọc bị tra tấn nơi đất khách quê người, đặc biệt qua bài thơ “Chiều tối” đã cho ta thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống,‎ ý chí vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt đầy phi thường của người tù cách mạng:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không.

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị. Với Bác, người nghệ sĩ phải là một chiến sĩ chủ động tích cực trên mặt trận với vũ khí đặc biệt là các tác phẩm văn chương: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ta vẫn thường thấy những thi phẩm nghệ thuật thường ra đời trong hoàn cảnh rất đỗi nên thơ, khi trà dư tửu hậu hoặc lúc tức cảnh sinh tình, nhưng thơ Bác ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất vẫn vươn mình để trở thành áng thơ tuyệt bút.

Mộ” (Chiều tối) được Bác lấy cảm hứng từ khung cảnh miền sơn cước vào một buổi chiều trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo cuối tháng 10 năm 1942. Đây được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc trích từ tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù), bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển song cũng thấm đượm tinh thần hiện đại qua đó góp phần làm nổi bật cốt cách của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng” (Viên Ưng – Trung Quốc).

Ngay từ những nét phác hoạ đầu tiên ta đã thấy hiện lên bức tranh cổ kính, đậm nét của thi ca cổ điển:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Bằng bút pháp chấm phá, Bác điểm trong bức tranh chiều tà là hình ảnh cánh chim – hình ảnh ước lệ thường thấy trong văn học cổ có nhiều ý nghĩa biểu tượng, Nguyễn Du đã từng viết: “Chim hôm thoi thóp về rừng” hay như bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ “Chiều hôm nhớ nhà”:

“Ngày mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn”

và đến tận sau này cánh chim ấy vẫn làm xao xác cả hoàng hôn trong thơ Huy Cận:

“Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa”

Cảnh vật vùng sơn cước là những hình ảnh thực được hiện lên rõ nét qua con mắt và tâm trạng của người tù nơi đất khách quê người. Chiều tối là lúc ánh sáng ban ngày gần vụt tắt hẳn, người đi đường ngước mắt nhìn lên bầu trời – nơi vẫn có chút ánh sáng ban ngày còn sót lại và chợt nhận thấy một cánh chim lẻ bầy mỏi mệt (quyện điểu) đang bay về rừng tìm nơi trú ngụ.

Chẳng lẽ tự nhiên mà cánh chim ấy rơi vào điểm nhìn của Bác, sự cảm nhận đó xuất phát trên cơ sở ý thức sâu sắc của cái tôi cá nhân trước ngoại cảnh, và trên cơ sở sự gần gũi, tương đồng: suốt một ngày bay đi kiếm ăn, cánh chim đã mỏi mệt, người tù cũng mệt mỏi sau một ngày vất vả lê bước trên đường trường. Những cánh chim kia còn biết tìm về tổ ấm khi màn đêm buông xuống còn người tù tha hương nơi đất khách vẫn phải rảo bước trên con đường gian khổ mà chẳng biết điểm dừng chân sẽ là ở đâu.

Sẵn có một tâm hồn nhạy cảm nên Người không thể không chạnh lòng và gợi lên nỗi nhớ quê hương cồn cào, da diết, dường như Bác cũng muốn dừng chân sau một hành trình nhọc nhằn đầy khó khăn:

“Năm mươi ba dặm một ngày trời

Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi…”

Ngược dòng thời gian, ta sẽ bắt gặp tứ thơ tương tự qua những vần thơ của Lí Bạch:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”

Cũng là cánh chim, chòm mây lẻ nhưng thơ Lý Bạch và thơ Bác chỉ giống nhau ở hình xác thi liệu, còn hai thế giới cảm xúc là hoàn toàn khác nhau: Thơ Lí Bạch tái hiện hình ảnh cánh chim bay vào cõi hư vô lạnh buốt mang cảm hứng thoát tục lánh đời còn cánh chim trong thơ Bác có điểm đến rất rõ ràng: về rừng – về với cõi trần gian gần gũi, về với tổ ấm thật thân thương. Nhìn cánh chim mà Người thấy trong dáng bay của nó có cả sự mệt mỏi.

Phải chăng đó chính là tình cảm nhân đạo, là tấm lòng cảm thương cho cánh chim sau một ngày vất vả lam lũ. Cái nhìn ấy thể hiện sự nhân ái, bao la của Người đối với vạn vật như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Trong câu thơ sau “Cô vân mạn mạn độ thiên không” mang đậm đà phong vị cổ thi và đẹp như một câu thơ Đường, cũng mượn thi liệu quen thuộc là hình ảnh chòm mây để miêu tả cảnh chiều tà:

“Bạch vân thiên tải không du du”

(Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay)

(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)

song những áng mây trong thơ Bác không phong lưu, cao sang mà rất bình dị, êm ả của bầu trời miền sơn cước. Đối chiếu với bản dịch thơ, rất tiếc người dịch đã làm mất đi sự cô đơn, lẻ loi của đám mây (cô vân) và dáng vẻ lững lờ như chất chứa nỗi niềm, giúp ta hình dung ra cả một khoảng trời trong trẻo, mênh mang, tĩnh lặng cùng chút gió thu nhè nhẹ hiu hắt buồn (mạn mạn).

Hai hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ: “cô vân” – “thiên không”, đối lập giữa không gian cao rộng, thoáng đạt của bầu trời với sự lẻ loi của áng mây khiến cho không gian càng rộng mở mênh mông, rợn ngợp và cánh chim càng nhỏ bé, đơn độc, đáng thương. Lối vẽ chấm phá cổ điển không làm cho hình ảnh chòm mây rơi vào ước lệ giống với thơ xưa mà ngược lại giúp chúng sống động như mang tâm tình, xúc cảm.

Áng mây dường như không biết đi đâu, về đâu trong cảnh chiều tàn đang dần khép cửa, nó khiến người tù cách mạng nghĩ đến thân phận bơ vơ nơi đất khách quê người của mình, đó vừa là nỗi buồn cố hữu trước cảnh thiên nhiên vừa là nỗi buồn phải xa quê nhưng lúc nào cũng nhớ về quê hương:

“Năm tròn cố quốc thân vô tội

Hóa lệ thành thơ tả nỗi này”

Bằng những thi liệu cổ điển quen thuộc, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chấm phá chỉ gợi mà ít tả, thi nhân đã dựng lên bức tranh chiều muộn thanh bình miền sơn cước. Bức tranh ấy hoàn toàn không có dây trói hay gông xiềng, tư thế một tù nhân đã thay thế hoàn toàn bởi tư thế của một hành nhân, một thi nhân. Cảnh vật được cảm nhận từ điểm nhìn cao rộng khoáng đạt, vì vậy cảnh tuy hoang vắng, phảng phất chút buồn nhưng không cô liêu, tuyệt vọng. Và người tù cách mạng đã dành những tình cảm yêu thương, trìu mến cho vạn vật, cho tự nhiên vốn dĩ rất thơ mộng này. Tự chủ trong cái nhìn thiên nhiên và đồng thời con người cũng tự chủ trong cả những cảm xúc vui buồn.

Hai câu thơ không khẩu khí mà lại làm ta rung động. Người tù đang tự do tự tại trước cảnh ngộ éo le như Bác đã từng viết khi mới bước vào nơi bị giam cầm:

“Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao”.

Hai câu thơ là tư thế của con người làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc đời, càng đặt hai câu thơ trong hoàn cảnh sáng tác của nó, người đọc càng cảm nhận được bản lĩnh phi thường, tinh thần thép của người tù chiến sĩ Hồ Chí Minh trước những khắc nghiệt của cuộc đời:

“Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

(Hoàng Trung Thông)

Hai câu thơ cuối có sự vận động về thời gian từ chiều đến tối, có sự vận động từ không gian thiên nhiên đến không gian cảnh sinh hoạt. Nổi bật trong bức tranh là hình ảnh cô thiếu nữ xóm núi đang xay ngô chuẩn bị cho bữa tối, đây là một thi liệu mang đậm tính dân chủ cho văn chương cũng như sự vận động mới mẻ cho hình tượng thơ:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng)

Ta vẫn thường thấy trong thơ xưa, cảnh thiên nhiên thường vắng bóng con người hoặc con người bị hòa vào thiên nhiên, họ thường nhỏ bé, cô đơn, thường tĩnh lặng, thụ động và luôn chịu sự chi phối của ngoại cảnh như trong bài “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Hay như trong thơ Đường, hình ảnh ẩn sĩ hiện lên dưới cánh chim ngàn mây núi buông câu thả cá mà cũng như buông xuôi cuộc đời:

“Ngàn non bóng chim tắt

Muôn nẻo dấu người không

Thuyền đơn ông tới nón

Một mình câu tuyết sông”

(Giang Tuyết – Liễu Tông Nguyên)

Nhưng khi đến với bài thơ “Chiều tối”, trung tâm của bức tranh giờ đây lại là con người – hình ảnh cô gái đang lao động chăm chỉ xay ngô bên bếp lửa như mang đến sức sống cho khung cảnh chiều tối. Đặc biệt, đó là sự gắn kết “thiếu nữ” – “sơn thôn” đã cho ta thấy cảm xúc, hồn thơ của Bác. Người luôn luôn phát hiện mối quan hệ hoà hợp giữa người và cảnh vật. Không phải ngẫu nhiên có sự kết hợp này, dường như xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn nhờ vào sự xuất hiện của thiếu nữ.

Và thiếu nữ xuất hiện không hề đơn độc lẻ loi mà gắn liền với cộng đồng “sơn thôn” của mình, đó vẫn luôn là cách nhìn đặc biệt thường gặp trong thơ Bác:

“Làng xóm ven sông đông đúc thế

Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”

(Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung)

Ở câu thơ thứ 3 lại một lần nữa bản dịch thơ không thể thể hiện được hết ý nghĩa của bản nguyên tác khi “sơn thôn thiếu nữ” dịch là “cô em xóm núi”. Bác không gọi cô gái bên bếp lửa hồng ấy với hai từ cô em mang sắc thái bông đùa mà Bác trân trọng gọi người con gái ấy là thiếu nữ – gợi cảm xúc về sức trẻ, tuổi thanh xuân của cô. Mặt khác, thơ cổ cũng đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh người thiếu nữ, nhưng là những thiếu nữ đài các nơi khuê phòng:

“Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai”

(Truyện Kiều)

là những mĩ nhân, những quý tộc thượng lưu ở lầu son gác tía như trong thơ Lí Bạch:

“Mĩ nhân nhất tiếu khiên châu bạc

Giao chỉ hông lâu: thị thiếu gia”

(Mĩ nhân nở nụ cười vén bức rèm châu

Rồi chỉ về phía lầu hồng nói với ta: ấy là nhà của thiếp)

còn người thiếu nữ trong “Chiều tối” xuất hiện cùng khung cảnh lao động bình dị nơi xóm làng mang vẻ đẹp khỏe khoắn, mộc mạc mà gần gũi, đầy thương mến và chính cuộc sống lao động bình dị đó càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng biết bao giữa rừng núi chiều tối âm u heo hút. Nó mang lại cho người đi đường chút hơi ấm của sự sống, chút niềm vui và hạnh phúc trong lao động của con người, tuy vất vả mà tự do.

Trong câu thơ thứ ba ở bản dịch thơ, người dịch đã sơ ý đặt thêm chữ “tối” vào khiến giảm đi ít nhiều tính hàm súc, cô đọng. Xét về thời gian thì quả thực khi cô gái xay ngô thì trời đã tối nhưng cảm quan nghệ thuật của Bác thì rất dị ứng với bóng tối và hơn cả người đọc hoàn toàn có thể nhận thấy được bước chuyển biến của thời gian ngay cả khi không có sự xuất hiện của chữ “tối” như Lê Trí Viễn đã từng bình luận: “Thời gian trôi dần dần theo cánh chim và làn mây, theo vòng xoay của cối ngô quay mãi quay mãi”.

Ở hai câu thơ cuối này, thi nhân đã sử dụng thành công cấu trúc lặp vòng tròn từ cuối câu ba tới đầu câu bốn: “ma túc bao – bao túc ma” mặc dù đối với một bài thơ tứ tuyệt chỉ vỏn vẹn hai mươi tám chữ việc dùng phép lặp rất ít khi xảy ra. Cụm từ “ma túc bao” ở cuối câu thơ thứ ba đã gối đầu vào câu thơ thứ tư theo lối đảo ngược, nếu đọc liên tục ta sẽ có ấn tượng về những vòng quay đều đặn của chiếc cối xay ngô, nó cứ chuyển động dường như triền miên không dứt: “…ma bao túc… bao túc ma… ma bao túc” đưa ta với một buổi tối sum họp, ấm áp của một gia đình vùng sơn cước.

Hồ Chí Minh đã có phát hiện mới trong bút pháp miêu tả thời gian đó là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, vòng quay của chiếc cối chấm dứt đồng nghĩa rằng công việc kết thúc và lò than cũng vừa đỏ. Ánh lửa hồng xuất hiện bất ngờ tỏa sáng vào đêm tối đã xua tan cái lạnh lẽo, tối tăm thắp lại ánh sáng và sự ấm áp cho đêm miền sơn cước. Chữ “hồng” nằm ở cuối bài thơ có một vị trí đặc biệt, nó được xem là nhãn tự của toàn bài.

Nhà thơ Hoàng Trung Thông nhận xét: “Với một chữ hồng Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã…” Ánh hồng không chỉ tỏa ra từ bếp lửa mà còn tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan của người tù cách mạng. Dường như trong thơ Bác luôn hướng về những thứ cao cả, đẹp đẽ: “từ tư tưởng đến hình tượng thơ luôn luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai” (Nguyễn Đăng Mạnh), trong bài “Giải đi sớm” chữ “hồng” cũng đã từng xuất hiện:

“Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng

Bóng tối đêm tàn sớm sạch không”

và ta luôn biết rằng, con đường cách mạng Việt Nam cũng đi từ trong đêm trường nô lệ để đến với con đường vinh quang cũng được biểu tượng qua ánh hồng:

“Trong ngục giờ đây còn tối mịt

Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”

Như vậy, chữ “hồng” đã tạo lên một điểm sáng nghệ thuật đem lại giá trị thẩm mĩ, nó vừa xua tan cái lạnh lẽo, vừa gợi cảm giác vui tươi, bình yên, đầm ấm của cuộc sống, vừa biểu tượng cho sự lạc quan, yêu đời của Bác. Ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng chất thép trong thơ Hồ Chí Minh. Đó là chất thép của những tình cảm lớn lao, của niềm tin và nghị lực phi thường.

Những năm 40 của thế kỉ trước, trên thi đàn văn học lãng mạn vang lên những vần thơ nặng trĩu buổi chiều của Huy Cận: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa…”. Những câu thơ của chàng thanh niên trí thức tiểu tư sản đã mang theo tâm trạng bất lực của cả một lớp người đang ngột ngạt giữa xã hội đen tối Việt Nam dưới ách ngoại bang. Cũng trong một buổi chiều giữa nơi đất khách Trung Hoa, một người tù “tay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích” đã để cảm xúc trải ra cùng không gian bao la, làm nên những vần thơ tuyệt tác, vừa cổ kính, vừa rất trữ tình thư thái.

Đọc thơ Người ta khám phá được “từ màu sắc cổ điển bỗng tỏa sáng tinh thần thời đại”, thấy được tư thế ung dung của người tù cách mạng như nhà thơ Tố Hữu từng viết:

“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác

Mười bốn trăng tê tái gông cùm

Ôi chân yếu, tay mờ, tóc bạc

Mà thơ bay cánh hạc ung dung”

“Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng,

Hoa tàn hoa nở cũng vô tình,

Hương hoa bay thấu vào trong ngục

Kể tù nhân nỗi bất bình.”

Thời gian có thể làm cho cái đẹp bị tàn phai, nhưng không thể giết chết cái đẹp. Hoa hồng tàn về thân xác cánh hoa có thể rơi, đài hoa có thể rụng nhưng hương hoa vẫn còn thơm mãi, hồn hoa biết bay đi để tìm người bạn tri âm tri kỉ cùng chia sẻ nỗi buồn, nỗi bất bình, tài năng của người nghệ sĩ có thể làm cho cái đẹp bất tử. Những vần thơ “Chiều tối” cũng vậy, nó vẫn vươn mình trong “vùng đất chết” để trở thành một thi phẩm chói lòa, vượt ra khỏi nỗi khổ của người tù chuyển lao, thoát khỏi “cái dơ bẩn thấp hèn” và thay vào đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu con người đến tha thiết.

(Nguồn: Thích văn học)

IV. Kiến thức mở rộng về bài Chiều tối

1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Chiều tối

– Bài thơ rút ra từ tập thơ Nhật kí trong tù, tập thơ sáng tác khi tác giả bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong suốt 13 tháng.

– Cảm hứng được gợi lên bởi cuộc chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trên đường chuyển lao suốt một ngày dài với xiềng xích đi bộ đường rừng đến tận chiều tối mà chưa được nghỉ chân.

2. Chiều tối dịch thơ

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không.

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

3. Một số nhận định về bài Chiều tối

– “Hồ Chí Minh rất Đường mà không Đường một tí nào. Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong 3 câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt” thơ (thi nhã hoặc nhãn tự), nó bừng sáng lên, nó cân lại chỉ một chữ thôi với 27 chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa. Với chữ “hồng” đó có ai còn cảm giác nặng nề, mệt mỏi, nhọc nhằn nữa đâu mà chỉ thấy màu đỏ đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác

(Nguyễn Trung Thông)

– “Nếu chỉ dừng lại ở 3 câu thơ đầu thì thơ Hồ Chí Minh không khác gì thơ Liễu Tông Nguyên đời Đường:

Thiên sơn điêu phi tận

Vạn kính nhân tông diệt

Cô thuyền xuy lạp ông

Độc điếu hàn giang tuyết

(Nghìn non chim bay hết

Muôn nẻo dấu người mất

Trên thuyền cô độc lão già

Một mình cầu sông tuyết lạnh)

(Hoài Thanh)

    Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh là một dạng đề có nhiều cách triển khai dựa trên dàn ý cơ bản phía trên. Các em có thể tham khảo và từ đó xây dựng cho mình riêng một bài phân tích bài thơ Chiều tối theo tư duy, ngôn từ và cảm nhận thật độc đáo của mình. Chúc các em làm bài tốt !

 

Hướng dẫn phân tích bài thơ Chiều tối, lập dàn ý chi tiết, sơ đồ tư duy và tham khảo những bài văn mẫu hay phân tích nội dung bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *