Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện Chí Phèo

Đề bài: Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

y nghia cai chet cua chi pheo va ba kien trong truyen chi pheo

Dàn ý, bài văn mẫu nêu ý nghĩa cái chết của Chí Phèo qua truyện ngắn cùng tên

Bài làm:

Nam Cao được coi là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại, với giọng văn tỉnh táo, phác lặng, thấm đẫm những suy tư, triết lý nhưng đằng sau giọng văn ấy là một tâm hồn đằm thắm yêu thương trĩu nặng những nỗi xót xa về số kiếp của những con người cùng khổ dưới đáy xã hội lúc bấy giờ. Nam Cao viết Lão Hạc, viết Đời thừa, rồi viết Chí Phèo, và thực sự mỗi tác phẩm đều là một tấn bi kịch, là bức tranh hiện thực đầy đau xót của xã hội Việt Nam trước cách mạng. Và trong Chí Phèo người ta lại càng thêm bàng hoàng, thêm đau xót về cái bi kịch không lối thoát, đó là bi kịch bị tha hóa, bị từ chối quyền làm người, quyền được sống hạnh phúc của nhân vật Chí Phèo. Sự bức ép của xã hội, sự tuyệt vọng đến cùng cực đã đẩy Chí Phèo đến con đường tự sát và giết luôn cả kẻ thù của mình là Bá Kiến, đây là một cái kết không có hậu nhưng lại là cái kết hợp lý để giải quyết tất cả các nút thắt và bi kịch trong cuộc đời bất hạnh của Chí.

Cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến chính là kết quả của cái tấn bi kịch cùng đường tuyệt lộ, mà không còn cách tháo gỡ nào khác ngoài cái chết để giải thoát. Cuộc đời Chí Phèo lần lượt bước qua những bi kịch đau đớn, đầu tiên là bi kịch bị cha mẹ ruột bỏ rơi, phải sống cuộc đời thiếu tình thương yêu, sau khi lớn lên cứ ngỡ yên ổn làm một anh canh điền thật thà chất phác thì lại vướng nỗi oan khuất phải ngồi tù vì sự ghen tuông của Bá Kiến. Chính cuộc sống không bằng chết ở trong tù đã khiến Chí Phèo dần lưu manh hóa, bị tha hóa trong nhân cách. Trả thù đời, trả thù Bá Kiến, hắn tiếp tục trượt dài trên con đường tha hóa ấy, không thể hòa nhập với cuộc sống, bị cái định kiến đầy ác nghiệt của xã hội chối bỏ quyền được làm người. Thế nhưng dẫu cuộc sống có nhiều đớn đau, dù hắn có bị lưu manh hóa, có rạch mặt ăn vạ thì sâu thẳm trong tâm hồn Chí Phèo vẫn còn một chút tỉnh táo len lỏi trong những cơn say dài. Bản chất hắn vẫn là một anh canh điền lương thiện, hắn sẵn sàng ra tay rạch mặt mình, nhưng không hề làm tổn thương đến kẻ thù, kẻ vốn đẩy hắn đến những bi kịch mãi về sau này.

Thế nhưng cuộc gặp gỡ nhân văn với Thị Nở lại cũng chính là cái bi kịch to lớn nhất, và cũng là bi kịch cuối cùng trong cuộc đời mà Chí Phèo phải gánh chịu. Gặp thị, Chí Phèo thấy mình như sống lại, tình yêu ấy đã đánh thức cái tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc, mong ước về một mái ấm gia đình trong Chí, dù hắn đã bước sang đến dốc bên kia của cuộc đời. Thế nhưng cái xã hội vốn bất công, vốn cay nghiệt với hắn chỉ cho hắn được đê mê, được hạnh phúc có năm ngày chẵn rồi người ta lại dội cho hắn một gáo nước lạnh, dìm hắn vào vực sâu của tuyệt vọng. Những lời không thể cay nghiệt hơn của bà cô, chính là thông điệp của cả cái làng Vũ Đại, của cả cái xã hội này dành cho hắn “Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ”. Con người ta nhẫn tâm xoáy sâu vào cái bi kịch vào cái nỗi đau vốn gần liền vảy của hắn, hơn thế nữa những lời ấy giá như là lời của một người nào khác chứ chẳng phải Thị Nở truyền cho hắn nghe trong tức tối thì có lẽ Chí đã chẳng đau đớn và tuyệt vọng đến như thế.

Tình yêu của hắn đã bị cả cái xã hội này bóp chết, cả cái xã hội này, thậm chí đến cả Thị Nở cũng chối từ hắn thì sống liệu có còn ý nghĩa? Tuy nhiên giữa những người trong cuộc thì chẳng ai có thể nhận ra rằng, thị chẳng hề tức Chí mà thực chất rằng, thị đang tức thay cho Chí, thị tức cho cái phần người vừa mới quay lại không bao lâu của Chí bị những lời lẽ đay nghiến vùi dập, thị tức lắm. Bi kịch của Chí Phèo ở chỗ ấy, họ không hiểu nhau nên thành ra cái tức tối của người đàn bà dở hơi lại chính là cú giáng cuối cùng vào tâm hồn tàn tạ, tuyệt vọng của Chí, dồn Chí Phèo đến cái cách giải quyết tiêu cực nhất là chết! Bởi Chí đã ý thức được cái thân phận lạc loài không cha không mẹ, Chí bàng hoàng tuyệt vọng đuổi theo nắm lấy tay thị như người chết đuối nắm lấy cọng rơm cứu mạng cuối cùng, thế nhưng cọng rơm ấy cũng tuột khỏi tay Chí, Chí chết thật rồi chết từ trong tâm hồn cô độc, lạc lõng.

Hắn lại say, hắn định giết thị, giết cả bà cô để trả thù nhưng Chí Phèo lại không bước vào nhà Thị Nở, mà theo như Nam Cao nói thì “Những thằng điên và thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm”. Nhưng có phải như vậy không, xét kỹ người ta mới thấy rằng có lẽ trong tiềm thức của một thằng say rượu như Chí đã dần tỉnh táo, hắn chợt nhận ra Thị Nở chẳng có lỗi, tình yêu thương của thị thức tỉnh tính người của hắn, bà cô của thị cũng không có lỗi, những lời cay nghiệt của bà ta thức tỉnh Chí bằng định kiến của một dân làng tỉnh táo, để Chí Phèo ý thức về bi kịch của bản thân. Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh, cùng dậy hét lên trong tuyệt vọng đau đớn “Ai cho tao lương thiện?…Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết không…Chỉ còn một cách…Biết không…”. Chí Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn. Nhìn sâu hơn người ta thấy Chí Phèo chính là đại diện cho tầng lớp nông dân cùng khổ trước cách mạng tháng tám vùng dậy đấu tranh, chống lại cái cường hào áp bức của tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Dẫu đó là cách thức liều lĩnh, đơn độc nhưng không còn cách nào khác, chỉ còn con đường bạo lực, chỉ có bạo lực mới có thể giải quyết được tất cả những vấn đề bất công, tàn ác mà bè lũ tay sai phong kiến đã gây ra cho nhân dân ta lúc bấy giờ. Mặt khác cái chết của Bá Kiến và Chí Phèo còn tố cáo mạnh mẽ bộ mặt độc ác và tàn nhẫn của xã hội cũ đã đẩy người nông dân lương thiện đến chốn cùng đường tuyệt lộ, khiến họ không còn lối thoát buộc phải giải quyết bằng những cách thức có vẻ tàn ác, suy cho cùng đó là cái giá mà một kẻ độc ác như Bá Kiến phải nhận. Chí Phèo giết được Bá Kiến rồi, sau đó hắn tự sát, tại sao hắn lại tự sát? Kẻ thù duy nhất của hắn đã chết đáng lý ra hắn có thể tiếp tục bước tiếp cuộc đời quỷ dữ của mình như bao nhiêu lâu nay hắn đã từng, nhưng Chí lại chọn cho mình cái chết. Có thể nói rằng, chi tiết tự sát của Chí Phèo chính là chi tiết đánh dấu mạnh mẽ sự trở lại của tính người trong cái tâm hồn vốn tàn tạ của hắn, Chí không thể tiếp tục làm quỷ dữ được nữa, hắn có khao khát được làm người lương thiện, thế nhưng cuộc đời này không cho hắn được cái quyền ấy, thì chi bằng hắn chết đi kết thúc hơn 40 năm cuộc đời mòn mỏi, đầy bi kịch của mình. Chí Phèo chọn cho mình cái chết có thể nói là một phương cách quyết liệt và tiêu cực để giữ lại cái phần người vừa được thức tỉnh của hắn, để chống lại cái sự tha hóa đã ăn mòn gần hết nhân cách của hắn. Cái chết của Chí Phèo chính là cái chết để chứng minh cho khao khát được trở về cuộc đời lương thiện, của một con người vừa phát hiện ra cái lương thiện quay về ngự trị trong tâm hồn của hắn, dẫu rằng ngoài hắn và Thị Nở thì chẳng ai hay biết điều ấy.

Với truyện ngắn Chí Phèo bức tranh xã hội hiện thực Việt Nam tàn ác đã được Nam Cao lột tả một cách sinh động và chân thực nhất, theo đó những giá trị nhân văn, nhân đạo đã được bộc lộ một cách sâu sắc. Đó là sự xót thương, thông cảm cho những thân phận con người ở dưới đáy xã hội, bị chèn ép, chà đạp, bị tước quyền được sống lương thiện. Đồng thời tố cáo bộ mặt tàn ác, vô nhân tính của chính quyền thực dân nửa phong kiến đã dồn ép con người đến đường cùng, buộc họ phải lựa chọn cách giải thoát cuối cùng là cái chết để được quay về với tấm lòng lương thiện thuở ban đầu, để bảo vệ cái nhân cách của mình khỏi sự tha hóa tồi tệ.

————- Hết ————–

Trên đây là chi tiết dàn ý + bài văn mẫu nêu ý nghĩa cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Tiếp theo, để có thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích, chuẩn bị tốt cho các bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn trên lớp, các em cần tham khảo danh sách các bài văn hay lớp 11 khác như Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao qua Chí Phèo, Chí Phèo giết Bá Kiến trong trạng thái nào? Tỉnh hay say rượu?, Tác phẩm Chí Phèo từng có những nhan đề nào? Ý nghĩa nhan đề Chí Phèo?,…

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *