Viết bài văn nghị luận Vị đắng trong cuộc sống

Đề bài: Viết bài văn nghị luận Vị đắng trong cuộc sống

viet bai van nghi luan vi dang trong cuoc song

Viết bài văn nghị luận Vị đắng trong cuộc sống
 

I. Gợi ý tham khảo:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:

1. Giải thích:

– Vị đắng trong thức ăn thường có ko nhiều, ngoài Hoàng liên có vị đắng nhất, thì còn lại có những thứ đắng có thể ăn được: hạnh nhân, tâm sen, lá đắng, mướp đắng. Đồ uống: Trà đắng, cà phê đắng,…vị đắng ở những loại thực phẩm, đồ uống mang lại hương vị đặc biệt, hấp dẫn; với một vị giác phổ biến của con người trên hành tinh này.
– Trong cuộc sống có rất nhiều vị đắng: đó là những nặng nề, cay đắng, đau khổ, mất mát, bất hạnh, …. Nhìn chung nó mang lại nỗi buồn đau cho con người
-> Vị đắng là điều không tránh khỏi trong cuộc sống

2. Bàn luận:

– Cuộc sống không hề bằng phẳng, luôn có những khó khăn thử thách, mà con người phải đối diện. Muốn vượt qua để đi đến thành công là phải chấp nhận chiến đấu với gian khổ, có nhiều khi vấp ngã, thất bại, mất mát-> phải khổ.
– Gặp gian khổ mà không ngại ngần chùn bước, sẽ tôi luyện cho con người ý chí, lòng quả cảm, cho chúng ta những bài học kinh nghiệm xương máu để vượt qua đắng cay mất mát. Đó là cách để chúng ta trưởng thành và đi tới thành công.
– Không hiếm người chỉ cần gặp một chút khó khăn gian khổ trong cuộc sống là đã than thân trách phận, là đã buông xuôi đầu hàng. Những con người đó sẽ phải chấp nhận bất hạnh và cay đắng suốt đời

3. Bài học nhận thức và hành động:

– Luôn chấp nhận những gian lao thử thách trong cuộc sống và trong học tập vì sự học rễ của nó đắng nhưng quả của nó ngọt
– Bằng mồ hôi công sức từng bước khẳng định và đạt kết quả cao trong học tập rèn luyện: Thiên tài 99% là mồ hôi nước mắt

II. Dàn ý và bài văn mẫu về Vị đắng trong cuộc sống

* Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

2. Thân bài

a. Vị đắng là gì?

– Vị “đắng” là một cảm nhận vị giác chưa bao giờ dễ chịu, là một thứ vị khó tả, khó ăn.
– Con người từ xưa đến nay vẫn không mấy ưa vị đắng và luôn tìm cách hạn chế nó trong cuộc sống. Từ thuở ban sơ đến nay con người vẫn luôn thích vị ngọt, thích những cái ngọt ngào dễ nuốt để hưởng thụ, và luôn e dè, nhọc nhằn với cái đắng.
– Trong cuộc đời vị ngọt để biểu trưng cho những gì suôn sẻ, thuận lợi, những hạnh phúc vui vẻ trong cuộc sống, còn đắng chính là một hình tượng ẩn dụ đầy thâm ý cho muôn vàn khó khăn trắc trở, cho những vấp ngã của con người trong quá trình trưởng thành.
– Để trưởng thành, người ta thường phải học cách rời bỏ những vị ngọt của cuộc sống, rời bỏ vòng tay ấm áp của cha mẹ, để bươn chải với đời, tập cách quen với những nỗi buồn, những vất vả, những đắng chát mà bản thân chúng ta phải tự gánh lấy một cách thầm lặng.

b. Vị đắng trong cuộc đời bao gồm những gì?
– Việc chấp nhận vượt qua được “vị đắng” của cuộc đời sẽ khiến con người ta trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn cả.
– Trong sự nghiệp, công danh:
+ Xa nhà, đi học, thấy lòng mình cô đơn, những lúc hết tiền, những lúc mệt mỏi ốm đau, không ai ở bên kề cận, thấy lòng mình đắng chát.
=> Rèn luyện cho bạn khả năng tự lập, dạy cho bạn cách tự chăm sóc bản thân khi ở một mình, khiến cho bạn kiên cường hơn và càng quý trọng hơn những ngày còn ở với cha mẹ.
+ Những ngày đầu đi xin việc thất bại khiến bạn tuyệt vọng, chán nản và bế tắc.
+ Mới đi làm mức lương bèo bọt, trên thì sếp mắng nhiếc, dưới thì đồng nghiệp bắt nạt, chơi xấu.
=> Bài học, là kinh nghiệm đỡ đần ta tiến bước vào tương lai.
– Trong tình yêu thì vị đắng của cuộc sống lại càng phong phú và sâu sắc:
+ Người ta yêu 5, 10 năm bỗng nhiên ra đi không một lời từ biệt.
+ Có một ngày ta phát hiện ra rằng, cô bạn thân với người yêu của ta có mối quan hệ mờ ám, một lúc mất đi người yêu, lại mất cả bạn.
=> Vị “đắng” trong lòng âm ỉ và dai dẳng khôn nguôi, khiến người ta chỉ có cách âm thầm và chịu đựng. Nhưng có lẽ rằng sau những đắng cay, mất mát ấy người ta lại mới thấm thía ấm lạnh của cuộc đời, càng trở nên bình thản hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống.

c. Chúng ta cần phải đối diện với vị đắng của cuộc đời:
– Con người ta thích vị ngọt, và phấn đấu, nỗ lực không ngừng để có được những vị ngọt hạnh phúc trong cuộc đời, thế nhưng trước khi có được thứ chúng ta muốn, con người thường phải đánh đổi rất nhiều.
– Để trưởng thành cuộc đời luôn bắt con người phải trả giá, phải chấp nhận đắng cay làm bàn đạp, làm bước tiến, sau đó mới lại cho chúng ta những ngày khổ tận cam lai. Đó là một phần của sự sống, của quá trình tiến hóa và phát triển.
– Chúng ta cũng không nên từ chối hay sợ hãi những đắng cay, mà hãy cho rằng đó là bài tập, thử thách mà tạo hóa đã ban tặng, để khiến cuộc đời của chúng ta thêm phong phú và tươi đẹp.
– Một cuộc đời chỉ có ngọt ngào nó lại rất nhạt nhẽo, đừng ngại ngần nếm chút thức đắng của đời, để đời bớt tẻ nhạt và để mình mạnh mẽ, phi thường hơn.

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ.

* Bài văn mẫu Vị đắng trong cuộc sống

Chua, ngọt, mặn, đắng, cay chính là ngũ vị của cuộc đời, tạo hóa đã ban cho một vị giác tuyệt đối nhạy cảm để nếm đủ những biến ảo của mọi món ăn ngon trên đời. Cũng lại đồng thời ban cho con người sự nhận thức và cảm nhận từ trong tâm tưởng, ngũ vị ấy cũng chính là những cảm thức mà chúng ta phải trải qua khi bước đi trên đường đời. Có lẽ rằng, thuở thơ ấu đến những năm mười mấy hai mươi tuổi, thứ chúng ta nếm trải đa phần đều là sự ngọt ngào, thỉnh thoảng có chút chua chua khi dỗi hờn vu vơ, chút mặn của nước mắt khi bị quở trách, chút cay cú khi đánh đáo với đám bạn bị thua chẳng hạn. Thế nhưng trong cái thuở non thơ ấy chúng ta chưa từng bao giờ thật sự nếm trải được vị “đắng” của cuộc đời, thứ mà sau này khi đã rời xa vòng tay cha mẹ, gia đình thực sự bước vào xã hội, bị buộc phải trưởng thành, thì chút khổ sở khi bé, chẳng thấm vào đâu so với những thứ đắng chát mà cuộc đời và những con người xa lạ ban tặng.

Vị “đắng” là một cảm nhận vị giác chưa bao giờ dễ chịu, thú thực rằng đối với bản thân tôi những vị chua của chanh, vị cay của ớt, vị mặn của muối đều tuyệt vời hơn rất nhiều so với vị đắng của mướp đắng. Đó là một thứ vị khó tả, mà ăn phải người ta vẫn không thể thốt lên rằng “chua quá”, “mặn quá” hay “cay quá” một cách sửng sốt, thay vào đó người ta vẫn thường im lặng, cố nuốt qua cổ họng trong im lặng. Tôi vẫn thực khó hiểu khi người ta lại có thái độ đó với cái vị khủng khiếp như vậy. Con người từ xưa đến nay vẫn không mấy ưa vị đắng, trừ một số thích ăn mướp đắng chỉ vì nghe nói nó có lợi cho sức khỏe thì không bàn đến. Còn lại chẳng ai ưa một ly cà phê không đường, không sữa với cái vị đắng hơi gắt, thêm chút chát của cafein và ti tỉ các alkaloid có trong ấy, còn những ai uống cà phê không đường ấy, họ thường nói vui rằng để cho biết vị đắng của cuộc đời, chứ thú thực không phải vì họ thích thật. Tương tự chẳng ai ăn nổi một bát chè đắng, uống một cốc sữa đắng, hay ăn một cái kẹo đắng nghét,… Chí ít chúng phải có cái vị gì đó dễ chịu hơn như vị chua chẳng hạn. Hoặc dẫu là thuốc chữa bệnh, bản chất dược chất vốn đắng, người ta vẫn phải cố tìm đủ mọi phương pháp từ bao đường, bao phim, giảm độ tan trong nước, hay trong Đông y thì dùng cam thảo (có vị ngọt gấp 50 lần mật ong) để điều vị. Thế nên từ thuở ban sơ đến nay con người vẫn luôn thích vị ngọt, thích những cái ngọt ngào dễ nuốt để hưởng thụ, và luôn e dè, nhọc nhằn với cái đắng. Trong cuộc đời cũng vậy, tôi tạm không xét đến vị chua, cay, mặn mà chỉ lấy vị ngọt để biểu trưng cho những gì suôn sẻ, thuận lợi, những hạnh phúc vui vẻ trong cuộc sống, còn đắng chính là một hình tượng ẩn dụ đầy thâm ý cho muôn vàn khó khăn trắc trở, cho những vấp ngã của con người trong quá trình trưởng thành. Để trưởng thành, người ta thường phải học cách rời bỏ những vị ngọt của cuộc sống, rời bỏ vòng tay ấm áp của cha mẹ, để bươn chải với đời, tập cách quen với những nỗi buồn, những vất vả, những đắng chát mà bản thân chúng ta phải tự gánh lấy một cách thầm lặng. Nhưng bạn có biết không, chí ít những đứa trẻ như chúng ta thật may mắn khi dẫu có bước ra cuộc đời thì vẫn còn gia đình làm điểm tựa, còn đại bàng thì không, ngay từ khi chúng mọc đủ lông, đủ cánh mẹ của chúng đã đá chúng từ tổ cao xuống, bắt chúng phải học cách bay và tự lập. Đại bàng chỉ có hai sự lựa chọn, một là bay hoặc hai là chết. Có thể nói rằng ngay từ khi chúng chưa có sự chuẩn bị gì, cái đắng đã ập tới một cách đường đột và bất ngờ, thế nhưng cũng chính vì vậy mà chúng đã trở thành bá chủ của trời xanh, thứ mà nhiều loài khác phải e dè sợ sệt. Có thể nói rằng trải qua cay đắng càng mạnh mẽ thì lại càng trở nên cường đại.

Chim đại bàng là một ví dụ, tuy đó là quy luật sinh tồn của giới tự nhiên, nhưng nó cũng chẳng khác gì so với cuộc đời của chính mỗi chúng ta. Việc chấp nhận vượt qua được “vị đắng” của cuộc đời sẽ khiến con người ta trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn cả. Ngày mới bước chân vào cánh cổng đại học, bạn thấy hào hứng vì một môi trường mới mẻ, vì một khung trời rộng lớn, bạn cảm thấy thật tự do, thật khoáng đạt trong tâm hồn. Nhưng chỉ khi về đến căn phòng trọ tối tăm chật hẹp bạn mới thấy được lòng mình cô đơn, những lúc hết tiền, những lúc mệt mỏi ốm đau, không ai ở bên kề cận, bạn mới thấy lòng mình đắng chát. Những cái khốn khổ ấy đã luyện cho bạn khả năng tự lập, dạy cho bạn cách tự chăm sóc bản thân khi ở một mình, khiến cho bạn kiên cường hơn và càng quý trọng hơn những ngày còn ở với cha mẹ. Hoặc những ngày đầu đi xin việc, nộp hồ sơ đến cả chục công ty mà không có một cuộc hẹn phỏng vấn, bởi bạn chẳng có kinh nghiệm gì, điều đó khiến bạn tuyệt vọng, chán nản và bế tắc, đó cũng chính là “vị đắng” của cuộc đời. Hoặc cho đến khi bạn đã may mắn được nhận vào một công ty, nhưng mức lương bèo bọt, trên thì sếp mắng nhiếc, dưới thì đồng nghiệp bắt nạt, chơi xấu. Chưa lúc nào ta lại thấy những hạt cơm của xã hội nhiều đắng cay đến thế, chẳng như cơm cha cơm mẹ biết bao ngọt bùi. Lúc ấy ta mới thấm thía được để cho ta 20 năm đầu đời ấm êm cha mẹ ta đã đánh đổi biết bao nhiều mồ hôi, nước mắt nếm biết bao nhiêu đắng chát của cuộc đời mà ta đâu biết. Nhưng chính những khổ hạnh ấy lại là bài học, là kinh nghiệm đỡ đần ta tiến bước vào tương lai, ngày hôm nay ta ăn quả đắng ở công ty này, từ những con người này thì mai sau bản thân ta sẽ được nếm trái ngọt ở một nơi khác, bởi ta đã có vốn kiến thức, kinh nghiệm sống, thì ắt sẽ có một sự đối đãi hợp lý. Đó là nói về sự nghiệp, nói về tình yêu thì vị đắng của nó lại càng phong phú và sâu sắc, người ta yêu 5, 10 năm bỗng nhiên ra đi không một lời từ biệt, cả thanh xuân ta đã dành cho con người ấy, giờ thành uổng phí, còn gì có thể cay đắng hơn lúc này đây. Hoặc có một ngày ta phát hiện ra rằng, cô bạn thân với người yêu của ta có mối quan hệ mờ ám, một lúc mất đi người yêu, lại mất cả bạn, cái “vị đắng” trong ấy tôi nghĩ rằng ngay cả thứ thuốc đắng kinh hoàng như cloramphenicol cũng không thể diễn tả được. Bởi lẽ đắng từ vị giác thì vài ba giờ cũng sẽ tan đi bởi vài ba ngụm nước, nhưng “đắng” trong lòng thì âm ỉ và dai dẳng khôn nguôi, khiến người ta chỉ có cách âm thầm và chịu đựng. Nhưng có lẽ rằng sau những đắng cay, mất mát ấy người ta lại mới thấm thía ấm lạnh của cuộc đời, càng trở nên bình thản hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống mà giống như nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết trong Sang thu rằng: “Sấm cũng bớt bất ngờ/Trên hàng cây đứng tuổi” vậy.

Như vậy tổng kết lại, ta có thể nhận ra một điều đúng đắn rằng, con người ta thích vị ngọt, và phấn đấu, nỗ lực không ngừng để có được những vị ngọt hạnh phúc trong cuộc đời, thế nhưng trước khi có được thứ chúng ta muốn, con người thường phải đánh đổi rất nhiều. Vị ngọt của 20 năm đầu là do cha mẹ đánh đổi mà có, còn vị ngọt của suốt những năm tháng sau này chúng ta phải tự phấn đấu mà tìm lấy. Trong quá trình ấy, người ta đã biết bao lần nếm trải những đắng chát, khổ cực, nhưng chỉ có thấm thía những vất vả khó khăn của ngày mưa thì người ta lại mới yêu thêm những ngày nắng đẹp. Những ngọt ngào, hạnh phúc sau này mới lại càng thêm vững chãi và quý giá. Để trưởng thành cuộc đời luôn bắt con người phải trả giá, phải chấp nhận đắng cay làm bàn đạp, làm bước tiến, sau đó mới lại cho chúng ta những ngày khổ tận cam lai. Sự đánh đổi ấy, hàng triệu năm nay nhân loại đều đã trải qua, và chấp nhận nó như một phần của sự sống, của quá trình tiến hóa và phát triển. Là một con người hiện đại, chúng ta cũng không nên từ chối hay sợ hãi những đắng cay, mà hãy cho rằng đó là bài tập, thử thách mà tạo hóa đã ban tặng, để khiến cuộc đời của chúng ta thêm phong phú và tươi đẹp. Đừng sợ vị đắng theo bám cả cuộc đời, tin tôi đi cho đến ngày nếm quả ngọt, bạn sẽ chẳng mấy băn khoăn về cái đắng của xưa cũ, cái duy nhất còn đọng lại ấy là hoài niệm, là vị ngọt trong đắng. Nó lại tựa như thưởng trà, đó là cả một nghệ thuật, kẻ kém thì chỉ thấy trà đắng chát, chẳng có gì thú vị, nhưng người sành lại biết rõ đằng sau cái đắng ấy là một vị ngọt tuyệt diệu, ngọt ẩn mình trong đắng, trà lúc ấy thơm hơn, thấm hơn biết bao nhiêu. Một cuộc đời chỉ có ngọt ngào nó lại nhạt nhẽo như như một bản nhạc đơn âm, Thạch Lam đã viết phàm là cái gì ngọt quá thì ăn hay chóng chán, bản thân tôi và bạn cũng cho thế là phải. Thế nên đừng ngại ngần nếm chút thức đắng của đời, để đời bớt tẻ nhạt và để mình mạnh mẽ, phi thường hơn. Giống như bản thân tôi, dù thích ăn ngọt, nhưng cũng có lúc thò đũa vào gắp lấy một miếng mướp đắng của mẹ, hay nhấp thử ly cà phê đen của bố. Dẫu rằng không ngon, nhưng nó mang lại chúng ta những trải nghiệm để không bị bỡ ngỡ với đời.

Dẫu là mặn, ngọt, đắng, cay, hay chua chát thì cũng đều là tuyệt vị của thế gian, đừng vì sợ hãi hay ghét bỏ mà thôi đi một cơ hội được trải nghiệm bạn nhé. Bạn sợ vị đắng, nhưng chính vị đắng ấy của cuộc đời lại là người thầy dạy tài tình và kiên nhẫn nhất, theo gót ta cả cuộc đời. Dẫu có lúc ta thấy tàn nhẫn và cực nhọc quá, nhưng quả thật chẳng có sự trưởng thành, sự thành công nào mà không nhuốm màu đắng chát.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng hạnh phúc, may mắn mà vẫn có những khó khăn, những vị đắng buộc con người phải nếm trải. Trên đây chúng tôi đã cung cấp những gợi ý về cách làm, cách triển khai bài văn mẫu. Bên cạnh đó, các em cũng có thể rèn luyện kĩ năng viết văn nghị luận qua các chủ đề khác như: Nghị luận về ý kiến: Cuộc sống là một đường chạy vượt rào…, Nghị luận về câu nói: Ở đời không có bước đường cùng…, Nghị luận xã hội về thành công và thất bại, Nghị luận về Nỗ lực học tập là trách nhiệm của thanh niên.

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *