Nhà văn Đặng Huy Trứ
Trường TCSP Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội xin giới thiệu tới các bạn học sinh cùng các bạn bài viết về sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn Đặng Huy Trứ để tìm hiểu và tham khảo giúp chúng ta hiểu rõ và cuộc đời ông và các tác phẩm nổi tiếng để học tốt môn Ngữ văn.
Đặng Huy Trứ (Ất Dậu 1825 – Giáp Tuất 1874)
Vị quan làm thơ, viết sách chống tham nhũng
Nước Đại Việt từ thời Tự Đức, do bế quan tỏa cảng, kinh tế sa sút, quan tham lúc nhúc. Đến nỗi vua phải kêu lên trong một chỉ dụ gửi các quan năm 1851: “Quan coi dân như kẻ thù, dân sợ quan như hổ. Quan mưu tích cho đầy túi tham, ngày đục, tháng khoét, lại thêm bao nhiêu việc sách nhiễu không thể kể hết được”… Trong bối cảnh đó, lại có một ông quan nổi tiếng thanh liêm, danh thơm truyền đời, đó là Đặng Huy Trứ!
Đặng Huy Trứ (1825-1874) quê ở làng Thanh Lương, Hương Trà, Thừa Thiên-Huế. Ông đỗ tiến sĩ năm 22 tuổi (1847), dạy học 8 năm, rồi ra làm quan năm 1856, giữ các chức Thông phán Ty bố chánh Thanh Hóa, tri huyện Quảng Xương, tri phủ Thiên Trường (Nam Định), Bố chánh Quảng Nam, Hàn lâm viện Ngự Sử, Biện lý bộ Hộ, phụ trách Ty Bình Chuẩn ở Hà Nội. Ông từng đi Hương Cảng, Ma Cao, Quảng Châu… buôn bán, lo việc kinh tế cho triều đình. 15 năm làm quan, cả quan xử án, lẫn quan kinh tế, gia đình ông vẫn “Cơm vẫn rau dưa, canh chủ chốt”, “tường kẻ vách bung, nhà che mái dột”. Làm quan xử án, bọn quan tham mấy lần hối lộ ông, ông vẫn “một tấm lòng băng, chẳng bụi vương”. Hối lộ không được, chúng vu cáo ông, ông vẫn thanh thản.
Khi làm quan Ngự Sử, có viên quan tham tri bộ binh, cấp trên của ông, lại là người trong họ, cùng quê, có hành vi tham nhũng, bị ông vạch tội: “cho dù thân thích bút không dung”. Vì việc làm khảng khái này mà trong 9 tháng, 3 lần ông bị giáng chức! Có lẽ chính vì thế mà Đặng Huy Trứ thấu hiểu tai họa tày đình của nạn tham nhũng, hối lộ đang ngày đêm làm ruỗng mọt cái rường cột nước nhà. Vạch tội tham nhũng chưa đủ, ông còn làm rất nhiều thơ nói về đạo đức người làm quan: “Dân không chăm sóc chớ làm quan” (Cho cháo); “Dân miếng ăn chẳng có/ Ta ngồi ăn sao đang? (Miếng ăn gian nan); “Dẫu người đời tham lam thành thói/ Lòng son này giữ với cao xanh” (Dặn bảo đồng sự). Lúc ông làm quan tri huyện Quảng Xương, dân bị mất mùa, đói kém, thương dân, ông không chịu mộ lính ngay, nên bị phạt một năm không lương, vợ con trong quê ra chơi phải đi vay gạo ăn. Ông tâm sự: “Ngoài kia kêu khóc bao người đói/ Cám cảnh dân đen những chạnh lòng” (Vay được ít gạo-1860).
Quá bức xúc trước họa tham nhũng, hối lộ, về cuối đời, khi đang bệnh nặng ở Trung Quốc, ông đã dốc hết trí tuệ và sinh lực để soạn cuốn sách dày 650 trang bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, gọi là Từ thụ yếu quy, rồi tự bỏ tiền túi ra in năm 1868, mong để lại cho đời sau làm bài học. Đây là cuốn sách có một không hai trong lịch sử nước ta, một tác phẩm đặc sắc và độc đáo. Sách Từ thụ yếu quy đúc kết 104 kiểu hối lộ, tham nhũng điển hình phổ biến trong xã hội. Sau mỗi điều viết về tệ hối lộ, Đặng Huy Trứ kêu lên: Không thể nhận! Chẳng hạn: Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ. Quan lại xảo quyệt hối lộ, cầu được tiến cử. Quản cơ, suất đội hối lộ để được ra coi cửa quan, cửa biển (tức Hải quan). Địa phương hối lộ các quan thanh tri, thương nhân… hối lộ để xin giấu bớt thuế. Con buôn nước ngoài hối lộ để cầu thân v.v..
Còn có nhiều thứ hối lộ “không thể nhận” nữa như Hối lộ để chia nhau những thứ dôi ra trong kho; hối hộ để cầu xin làm việc thu thuế; nhà giàu keo kiệt hối lộ để được miễn góp việc công; hối lộ để xin khai thác khoáng sản v.v.. Do nhiều năm làm quan lo kinh tế cho triều đình, bằng kinh nghiệm của mình, Đặng Huy Trứ đã tổng kết gần như đủ mưu ma hối lộ, tham nhũng. Ông viết cuốn sách cách đây 131 năm, bây giờ đọc lên vẫn giật mình! Ước gì sách Từ thụ yếu quy được tái bản?
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)