Đề bài: Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
I. Dàn ý Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ.
2. Thân bài
a. Cảnh ông lão chiến đấu trận cuối cùng với đàn cá dữ:
– Sau một khoảng thời gian dài chống đỡ, chiến đấu với lũ cá mập háu thịt, ông lão đã tiêu tốn hết tất cả những vũ khí bao gồm cả cái bơi chèo trong những trận ẩu đả giằng co, đập vào đầu của những con cá mập to lớn.
– Ông lão cũng rơi vào trạng thái kiệt quệ và thê thảm, chiến lợi phẩm của ông cũng bị lũ cá mập rỉa gần hết. Ông lão chỉ có cố nhịn đau để xoay xở lái con thuyền của mình vào bờ, với một khung cảnh tối tăm.
– Phải chống chọi với đàn cá mà tay không một tấc sắt, đặc biệt cái lạnh lẽo ban đêm “càng làm vết thương của ông và những vết xây xát khắp cơ thể lão đau buốt”, toàn thân lão tê cứng nhức nhối.
=> Ông lão quá mệt mỏi với những trận chiến, giờ này bắt đầu trở nên mất tinh thần, rệu rã và kiệt quệ, lo âu với những gì có thể xảy tới.
– Hy vọng rằng “sẽ không phải chạm trán với bọn chúng một lần nữa”, bởi lẽ với trạng thái của ông lão, thì bây giờ cuộc chiến đã hoàn toàn trở nên không cân sức.
– Dù biết rằng chiến đấu là vô ích và vô vọng, nhưng khi ông lão vẫn kiên trì chiến đấu đến cuối cùng bằng tất cả những gì mình có. Ông lão “kháng cự một cách tuyệt vọng”, mang trong mình nỗi ám ảnh, lo lắng và mệt mỏi.
– Kiên trì, cố sức “lão vụt nháo nhào”, lão “tháo ngay chiếc tay lái và nắm chắc cả hai tay mà vụt túi bụi ra bốn phía”, lão lại “hoa cái tay lái lên quật đúng vào hàm răng con cá mập”, “lão quật liên hồi hai bận, ba bận, mười bận”.
=> Nhân vật chính đang ở trong thế bị động, kiệt quệ, chiến đấu một cách không trình tự, kế hoạch, đến đâu hay đến đó.
– Những đòn liên tiếp của ông lão đã không đạt được những hiệu quả nhất định, đàn cá dữ vẫn liên tục cướp bóc và không hề lùi bước trên con người yếu đuối đang cố bảo vệ tài sản của mình “Chúng đâm bổ vào xác con cá. Mỗi lần ngoạm xong một miếng, chúng lại lùi ra rỗi quay trở lại, những miếng thịt chúng vừa dứt được lấp lánh dưới nước”.
=> Cuộc chiến bất đắc dĩ, đầy cam go đã kết thúc trong sự tuyệt vọng, mệt mỏi và bất lực của con người. Ông lão đã có một chiến tích oai hùng khi chiến thắng con cá kình, thế nhưng lại phải nhận lấy thất bại từ một đối thủ khác cũng chỉ vì cái chiến lợi phẩm của mình.
b. Nguyên lý tảng băng trôi thông qua những suy nghĩ và độc thoại của ông lão:
* “Cho chúng mày nuốt đi lũ cá mập kia. Nuốt đi đó tưởng tượng là vừa giết được một con người”:
– Bộc lộ trạng thái tức giận, đồng thời cũng là sự khinh bỉ, thách thức của ông lão đối với kẻ thù, những kẽ không làm mà đòi hưởng, những kẻ đã cướp bóc công sức lao động của người khác một cách hung ác và trơ trẽn.
– Sắc thái hài hước và lời đối thoại sau cuộc chiến thất bại thảm hại của ông lão không chỉ cho ta thấy nỗi mệt mỏi và thất vọng của ông lão, mà ở đó ta còn thấy được sự hồi phục tinh thần của ông lão sau trận chiến.
– Ông lão đã nhìn nhận sự thất bại của mình một cách bình thường và cũng không còn mấy tức giận, nuối tiếc con cá đẹp nhất đời mình đã đi vào bụng cá mập nữa. Mà thay vào đó là tìm lấy chiếc tay chèo để dong thuyền về với đất liền, kết thúc chuyến đi đầy sóng gió trong cảm giác thanh thản ở tâm hồn.
=> Thắng thua trong cuộc đời chỉ là chuyện thường tình, vào đúng lúc, đúng thời điểm người ta phải biết chấp nhận và buông bỏ để đổi lại cảm giác thanh thản tâm hồn, trở thành cơ sở cho những lần thành công sau trong cuộc đời.
* “Ngẫm cho cùng thì gió cũng là bạn tốt của ta…Chỉ cái giường thôi! Ôi được nằm trong giường dễ chịu biết bao!”.
– Sự chiêm nghiệm có phần hơi chua cay của ông lão trong suốt hành trình gian khó truy đuổi ước mơ của mình, thế nhưng ta cũng nhìn ra được sự tỉnh ngộ của ông lão trong cả hai trận chiến cam go.
– Ông lão giữa biển khơi, lênh đênh một mình trong nhiều ngày đêm đối diện với sự cô đơn và những biến cố to lớn, thế nhưng với tinh thần mạnh mẽ, sự suy nghĩ thấu đáo đã dễ dàng vượt lên nỗi cô đơn, thất bại để trở về với bản thân mình, trở về cuộc sống bình thường.
– Câu độc thoại “Cái gì làm mày thất bại”, rồi lão hét to lên rằng “Chẳng gì cả. Ta đã đi quá xa”.:
+ Lời tự động viên, một suy nghĩ đầy tích cực.
+ Ẩn dụ một tầng nghĩ sâu sắc, ấy là cái giá phải trả cho việc kỳ vọng quá nhiều vào những ước mơ vĩ đại, cao đẹp, con người nên xác định được giới hạn của bản thân.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận chung.
II. Bài văn mẫu Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả
Hemingway là một cây bút văn xuôi và tiểu thuyết nổi bật của nước Mỹ với một gia tài các sáng tác đồ sộ, có nhiều đóng góp cho nền văn chương của nhân loại. Điều đặc biệt của tác giả và các sáng tác của ông so với nhiều nhà văn khác trên thế giới ấy là việc vận dụng nguyên lý tảng băng trôi một cách tinh tế vào trong tác phẩm của mình để bộc lộ những tư tưởng, chiêm nghiệm về cuộc đời của nhà văn bằng các cốt truyện đơn giản, súc tích và nhân vật chính mang chủ nghĩa khắc kỷ đặc trưng. Một trong những sáng tác để đời tiêu biểu cho phong cách sáng tác này của Hemingway là tiểu thuyết ngắn Ông già và biển cả kể về cuộc săn đuổi con cá đẹp nhất đời của ông lão. Đoạn trích Đương đầu với đàn cá dữ cũng là một trong những đoạn trích ấn tượng nhất của tác phẩm với nhiều tầng ý nghĩa, kể về cuộc chiến đấu chống lại sự cướp bóc của đàn cá mập sau khi ông lão câu thành công con có kình với nhiều sự nỗ lực.
Những tưởng rằng sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, mệt mỏi rệu rã, mất nhiều công sức, thậm chí suýt đánh đổi cả tính mạng, cuối cùng ông lão cũng thành công câu được con cá đẹp nhất đời mình, một đối thủ nặng ký xứng tầm và khiến ông lão vô cùng hài lòng. Tuy nhiên mọi chuyện không hề dừng lại ở đó lão Xan-ti-a-gô không thể ngờ rằng sau một trận chiến gần như đã rút hết sức lực của mình, ông lại còn phải tiếp tục đương đầu với những kẻ thù khủng khiếp khác để bảo vệ chiến lợi phẩm của mình. Một đàn cá mập nghe thấy hơi máu của con cá kình vừa chết, chúng nhanh chóng lần mò đến gần thuyền của ông lão, đó không phải là sự tình cờ mà là một sự tính toán chặt chẽ của đàn cá ăn thịt, chúng muốn cướp đi cái chiến lợi phẩm đáng tự hào của ông lão đánh cá. Đoạn trích nằm ở chương cuối cùng của tác phẩm, sau một khoảng thời gian dài chống đỡ, chiến đấu với lũ cá mập háu thịt, ông lão đã tiêu tốn hết tất cả những vũ khí bao gồm cả cái bơi chèo trong những trận ẩu đả giằng co, đập vào đầu của những con cá mập to lớn. Bản thân ông lão cũng rơi vào trạng thái kiệt quệ và thê thảm, chiến lợi phẩm của ông cũng bị lũ cá mập rỉa gần hết. Ông lão chỉ có cố nhịn đau để xoay xở lái con thuyền của mình vào bờ, với một khung cảnh tối tăm, và thỉnh thoảng trông thấy ánh điện của thành phố hắt xuống mặt biển. Trong lúc cố tấp vào bờ thì ông lão cũng nằm trong hoàn cảnh khốn đốn, sắp phải chống chọi với đàn cá mà tay không một tấc sắt, đặc biệt cái lạnh lẽo ban đêm “càng làm vết thương của ông và những vết xây xát khắp cơ thể lão đau buốt”, toàn thân lão tê cứng nhức nhối. Ông lão quá mệt mỏi với những trận chiến, giờ này bắt đầu trở nên mất tinh thần, rệu rã và kiệt quệ, lo âu với những gì có thể xảy tới. Đồng thời liên tục hy vọng rằng “sẽ không phải chạm trán với bọn chúng một lần nữa”, bởi lẽ với trạng thái của ông lão, thì bây giờ cuộc chiến đã hoàn toàn trở nên không cân sức. Một con người đầy thương tích, kiệt quệ, không vũ khí và một đàn cá háu đói, thèm khát, ăn thịt phần lớn tất các loài cá khác ở đại đương, hung dữ và không kiêng dè, đó là một trận chiến không thể tưởng tượng được. Thế nhưng dù biết rằng chiến đấu là vô ích và vô vọng, nhưng khi ông lão vẫn kiên trì chiến đấu đến cuối cùng bằng tất cả những gì mình có. Trong hoàn cảnh đàn cá mập đông đúc, liên tục đớp thịt con cá kình, ông lão không thể phân định và phán đoán một cách chính xác, ông chỉ nhìn thấy “những vệt nước do những chiếc vi cá mập xẻ dọc ngay trên mặt biển và những đường lân tinh lấp lánh kéo theo đằng sau đuôi”, cảm nhận được sự rung lắc của con thuyền khi đàn cá luồn xuống dưới đáy thuyền đội cả thuyền lên. Trước thực trạng tấn công dữ dội của đàn cá và tình thế bất lợi hoàn toàn của bản thân, ông lão “kháng cự một cách tuyệt vọng”, mang trong mình nỗi ám ảnh, lo lắng và mệt mỏi. Thế nhưng bằng sức mạnh tinh thần của mình ông lão không chịu từ bỏ và tha thứ cho đàn cá cướp bóc, ông vẫn kiên trì, cố sức “lão vụt nháo nhào”, lão “tháo ngay chiếc tay lái và nắm chắc cả hai tay mà vụt túi bụi ra bốn phía”, lão lại “hoa cái tay lái lên quật đúng vào hàm răng con cá mập”, “lão quật liên hồi hai bận, ba bận, mười bận”. Tuy nhiên khi nhìn vào những đòn tấn công, chống trả liên liếp, dồn dập và có phần loạn xạ của ông lão, ta nhận ra rằng nhân vật chính đang ở trong thế bị động, kiệt quệ, chiến đấu một cách không trình tự, kế hoạch, đến đâu hay đến đó. Chính vì vậy những đòn liên tiếp của ông lão đã không đạt được những hiệu quả nhất định, đàn cá dữ vẫn liên tục cướp bóc và không hề lùi bước trên con người yếu đuối đang cố bảo vệ tài sản của mình “Chúng đâm bổ vào xác con cá. Mỗi lần ngoạm xong một miếng, chúng lại lùi ra rỗi quay trở lại, những miếng thịt chúng vừa dứt được lấp lánh dưới nước”. Trận chiến kết thúc chỉ khi bọn cá đã xâu xé hết con cá kình của ông lão, còn cái tai tái của ông lão gãy đôi, khi con cá cuối cùng rời đi vì ăn phải một đòn hiểm của ông lão, thì cùng lúc ông lão thấy miệng mình có vị tanh nồng ngòn ngọt. Đó là cái vị của máu, vì quá mệt mỏi mà ông lão đã nôn ra cả máu. Và cuộc chiến bất đắc dĩ, đầy cam go đã kết thúc trong sự tuyệt vọng, mệt mỏi và bất lực của con người. Ông lão đã có một chiến tích oai hùng khi chiến thắng con cá kình, thế nhưng lại phải nhận lấy thất bại từ một đối thủ khác cũng chỉ vì cái chiến lợi phẩm của mình.
Một chuyến ra khơi mệt mỏi rệu ra và nhiều xúc cảm của ông lão đã để lại trong lòng độc giả nhiều suy nghĩ. Điều đó bộc lộ thật rõ nét trong những lời độc thoại nội tâm mang chút cay đắng, khi ông lão không thể bảo vệ được tài sản của mình và nhổ ngụm nước bọt chứa máu của mình xuống biển “Cho chúng mày nuốt đi lũ cá mập kia. Nuốt đi đó tưởng tượng là vừa giết được một con người”. Không nói bộc lộ trạng thái giận dữ, đồng thời cũng là sự khinh bỉ, thách thức của ông lão đối với kẻ thù, những kẽ không làm mà đòi hưởng, những kẻ đã cướp bóc công sức lao động của người khác một cách hung ác và trơ trẽn. Sắc thái hài hước và lời đối thoại sau cuộc chiến thất bại thảm hại của ông lão không chỉ cho ta thấy nỗi mệt mỏi và thất vọng của ông lão, mà ở đó ta còn thấy được sự hồi phục tinh thần của ông lão sau trận chiến. Thoát khỏi cảm giác lo âu, bất định, ám ảnh bởi đàn cá dữ ông lão đã nhìn nhận sự thất bại của mình một cách bình thường và cũng không còn mấy tức giận, nuối tiếc con cá đẹp nhất đời mình đã đi vào bụng cá mập nữa. Mà thay vào đó là tìm lấy chiếc tay chèo để dong thuyền về với đất liền, kết thúc chuyến đi đầy sóng gió trong cảm giác thanh thản ở tâm hồn. Đó là một bài học hay là phần “tảng băng chìm” mà tác giả muốn truyền tải, rằng thắng thua trong cuộc đời chỉ là chuyện thường tình, vào đúng lúc, đúng thời điểm người ta phải biết chấp nhận và buông bỏ để đổi lại cảm giác thanh thản tâm hồn, trở thành cơ sở cho những lần thành công sau trong cuộc đời.
Trong một lời độc thoại khác của ông lão “Ngẫm cho cùng thì gió cũng là bạn tốt của ta. Hoặc nói cho đúng hơn, đôi khi cũng là bạn tốt. Và biển cả nữa biển cả với những bạn hữu và kẻ thù của ta. Lão lai nghĩ: Và cả chiếc giường ta nằm nữa. Chiếc giường là bạn của ta đấy! Chỉ cái giường thôi! Ôi được nằm trong giường dễ chịu biết bao!”. Đó là sự chiêm nghiệm có phần hơi chua cay của ông lão trong suốt hành trình gian khó truy đuổi ước mơ của mình, thế nhưng ta cũng nhìn ra được sự tỉnh ngộ của ông lão trong cả hai trận chiến cam go. Trong khi đàn cá dữ vẫn liên tục ùa đến chôm chỉa con cá kình chỉ còn bộ xương, thì ông lão chẳng còn buồn xua đuổi, chiến đấu làm gì nữa, lúc này ông nghĩ về những mong ước thật giản dị và có chút hài hước. Sau một trận chiến lớn như thế, người dày đặc vết thương, nhưng ông lão không bận tâm mấy, mà chỉ được muốn nghỉ ngơi sau một hành trình lắm niềm vui, thành tựu, nhưng đầy thất bại thảm hại. Ông lão giữa biển khơi, lênh đênh một mình trong nhiều ngày đêm đối diện với sự cô đơn và những biến cố to lớn, thế nhưng với tinh thần mạnh mẽ, sự suy nghĩ thấu đáo đã dễ dàng vượt lên nỗi cô đơn, thất bại để trở về với bản thân mình, trở về cuộc sống bình thường. Câu độc thoại “Cái gì làm mày thất bại”, rồi lão hét to lên rằng “Chẳng gì cả. Ta đã đi quá xa”. Là một lời tự động viên, một suy nghĩ đầy tích cực và ẩn dụ một tần nghĩ sâu sắc, ấy là cái giá phải trả cho việc kỳ vọng quá nhiều vào những ước mơ vĩ đại, cao đẹp, con người nên xác định được giới hạn của bản thân, việc chinh phục những đỉnh cao là điều đáng được trân trọng, thế nhưng đôi lúc những ước mơ xa vời quá có thể khiến ta phải nếm mùi thất bại một cách triệt để, thậm chí nếu không tự thoát ra được, con người sẽ mãi chìm đắm trong tuyệt vọng.
Trận chiến với đàn cá dữ không chỉ đơn thuần là một cuộc giành giật, chiến đấu bảo vệ tài sản của ông lão với thiên nhiên mà nó còn hàm chứa nhiều tần nghĩa ẩn dụ, cho người đọc những bài học sâu sắc về việc con người theo đuổi những ước mơ, kỳ vọng vượt ra ngoài giới hạn của bản thân và cách để vượt qua thất bại. Ông lão đánh cá là một hình tượng anh hùng của con người trong công cuộc lao động, chinh phục thiên nhiên biển cả, tuy không giành chiến thắng sau cùng, thế nhưng tầm vóc cũng như những phẩm chất của ông lão đã đem đến cho độc giả những chiêm nghiệm đáng giá.
————————HẾT—————————-
Bài Phân tích cảnh đương đầu với đàn cá dữ trong đoạn trích Ông già và biển cả là những phân tích cơ bản về đoạn trích đặc sắc Đương đầu với đàn cá dữ trong tác phẩm kinh điển Ông già và biển cả. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo các bài viết Soạn bài Ông già và biển cả, Cảm nhận về tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê, Phân tích Ông già và biển cả của Hemingway, Ông già và biển cả là một bản anh hùng ca ngợi tư thế ngạo nghễ, hào hùng của con người.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)