>> Những bài văn phân tích Cảnh ngày hè hay nhất
Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè
Bạn đang xem bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè
Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè
Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè (Chuẩn)
1. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.
– Sơ lược về bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi.
2. Thân bài
– Hoàn cảnh sáng tác, thể thơ.
*Bức tranh thiên nhiên:
– Cảnh ngày hè:
+ Màu sắc: xanh, đỏ, hồng.
+ Hương thơm của hoa sen.
+ Động từ mạnh: “đùn đùn”, “giương”, “phun”, “tiễn” góp phần thể hiện trạng thái cảnh vật.
+ Âm thanh: cuộc sống, con người, tiếng ve…(Còn tiếp)
>> Xem chi tiết Dàn ý phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè tại đây.
Bài văn mẫu Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè (Chuẩn)
Vẻ đẹp độc đáo, đầy sức sống của bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi đã làm nên những nét đặc sắc trong bài “Cảnh ngày hè”. Cảnh sắc và con người đã có sự hòa điệu, cộng hưởng với nhau. Nguyễn Trãi chọn cách sống thanh nhàn nhưng tâm không nhàn. Ông luôn hướng lòng mình lo nghĩ cho dân, cho nước. “Cảnh ngày hè” là bài thơ số 43/61 trong chùm thơ có tên chung là ” Bảo kính cảnh giới”, trích trong ” Quốc âm thi tập”- tập thơ đặt nền móng, mở đường cho sự phát triển của thơ ca bằng tiếng Việt.
“Cảnh ngày hè” được viết trong khoảng thời gian Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn. Bằng thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, bài thơ phác họa bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp toàn diện con người Nguyễn Trãi. Ông ngắm cảnh với một tâm trạng thư thái, thanh thản trước thiên nhiên ngày hè tươi đẹp “Rồi hóng mát thuở ngày trường”. Nhịp thơ 1/2/3 chầm chậm diễn tả sự thư thái khi ngắm cảnh. “Rồi” nhàn nhã, dường như không vướng bận gì, việc chủ yếu của tác giả là “hóng mát” trải qua những tháng rộng, năm dài của “ngày trường”. Đây là cảm giác về thời gian của người sống trong cảnh nhàn rỗi. Khác với Nguyễn Bỉnh Khiêm trong “Nhàn”, là vui thú với cảnh đẹp và sống nhàn tản, thanh cao thì Nguyễn Trãi tuy chọn sống gần gũi với thiên nhiên nhưng tâm của ông luôn vướng bận vì dân, vì nước. Thái độ vừa chấp nhận vừa không chấp nhận đối với thời cuộc bấy giờ. Ông vui với cuộc sống thanh nhàn, lánh đục tìm trong và cảm nhận hết vẻ đẹp của thiên nhiên xung quanh. “Cảnh ngày hè” được vẽ lên bằng ngôn từ với rất nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc.
” Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”
Vạn vật hữu linh dường như cũng có linh hồn, cũng biết phô bày hết vẻ đẹp đầy sức sống theo cách riêng của chúng. Cây hòe xanh tốt, vươn tán rộng che rợp cả một khoảng không gian. Bên hiên nhà, cây thạch lựu đang “phun” màu đỏ. Trong ao, những cánh sen hồng nhẹ nhàng lan tỏa hương thơm ngát. Việc liệt kê ra các loài cây: cây hòe, cây thạch lựu, cây sen và các gam màu tươi sáng: xanh, đỏ, hồng làm nổi bật lên những nét đặc trưng mùa hè nơi làng quê thanh bình và yên ả. Cách sử dụng những động từ mạnh “đùn đùn”, “giương”, “phun”, “tiễn” góp phần thể hiện trạng thái cảnh vật. Trước ánh nhìn của Nguyễn Trãi, cảnh vốn “tĩnh” nhưng lại trở nên “động”, sự sống cứ tiếp tục sinh sôi, căng tràn. Phải là một người có tâm hồn yêu thiên nhiên sâu sắc, Nguyễn Trãi mới cảm nhận hết những vẻ đẹp của cảnh ngày hè bằng nhiều giác quan: thị giác- ngắm cảnh ở nhiều góc độ, khứu giác- cảm nhận mùi hương của hoa sen, thính giác- lắng nghe âm thanh của cuộc sống.
” Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.
Đảo ngữ đưa từ láy ” dắng dỏi”, “lao xao” lên đầu câu diễn tả không khí nhộn nhịp của ngày hè nơi làng quê. Tiếng người mua, kẻ bán ” lao xao” từ chợ cá vọng lại. Đó là âm thanh của cuộc sống thái bình, yên vui. Tiếng ve râm ran như hòa tấu khúc đàn ngợi ca cuộc sống thanh bình, gọi về những âm thanh đặc trưng mùa hè rộn rã. Đúng là “thi trung hữu họa”- trong thơ có nét vẽ, Nguyễn Trãi vẽ nên bức tranh thiên nhiên sống động, có sự hài hòa về màu sắc, đường nét, âm thanh, con người và cảnh vật. Nguyễn Trãi rất tinh tế, sâu sắc trong cảm nhận và có sự giao cảm mạnh mẽ với thiên nhiên. Điều này thể hiện tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết của ông, đồng thời tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống cũng được làm rõ qua từng câu chữ. Không dừng lại ở đó, tâm hồn ông còn dành trọn cho dân, cho nước.
” Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”
Điển tích “Ngu cầm” kết hợp với “dẽ có”- lẽ ra nên có, thể hiện ước mong, khát vọng cao đẹp về một cuộc sống thái bình, cơm no áo ấm cho muôn dân. Đó cũng là lý tưởng lớn của ông. Có thể nói câu thơ cuối gói trọn tấm lòng ưu ái với dân với nước đồng thời dồn nén cảm xúc của cả bài thơ, làm nổi bật vẻ đẹp trong tâm hồn Nguyễn Trãi.
Vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn Nguyễn Trãi song hành cùng nhau mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc qua bài thơ “Cảnh ngày hè”. Nguyễn Trãi yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và muốn mang những điều tốt đẹp đến cho mọi người. Tư tưởng lớn suốt đời vì dân, vì nước ấy Nguyễn Trãi dùng cả đời theo đuổi để rồi kết thúc trong án oan “Lệ chi viên” liệu có mấy ai đời sau thấu hiểu và nguyện tiếp nối?
———————HẾT———————-
Khám phá bức tranh thiên nhiên ngày hè và những tâm sự của tác giả Nguyễn Trãi muốn gửi gắm trong bài thơ Cảnh ngày hè, bên cạnh bài phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè, các em có thể tham khảo thêm: Sơ đồ tư duy bài thơ Cảnh ngày hè, Phân tích bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè, Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài Cảnh ngày hè, Cảm nhận bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Cảnh ngày hè.
Trích nguồn: TH Văn Thủy
Danh mục: Lớp 10