Cảm nghĩ về bố của em
Hướng dẫn viết văn chủ đề người thân trong gia đình đó là cảm nghĩ về bố. Để thực hiện tốt chủ đề này chúng tôi có bài văn mẫu tham khảo chắc chắn sẽ giúp ích cho các bạn học sinh. Lưu ý bài văn chỉ mang tính tham khảo, học sinh chỉ nên xem chứ không nên chép toàn bộ.
Bài văn cảm nghĩ về bố
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩ mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Câu nói đó chắc hẳn đã in sâu trong tâm trí của mỗi chúng ta khi nhắc đến công ơn sinh thành dưỡng dục vô bờ bến của cha mẹ. Hình ảnh người cha lam lũ tần tảo rắn rỏi mưu sinh từng ngày và người mẹ tất bật lo toan chăm chút vun vén gia đình là những hình ảnh kì diệu và đáng trân quý nhất trong kí ức tuổi thơ của những đứa con, và người con luôn giữ gìn những tình cảm thiêng liêng lớn lao ấy khắc sâu ở trong tim như một sự trân trọng, biết ơn. Nếu mẹ thương con bằng những cử chỉ ân cần nhẹ nhàng dịu dàng quá đỗi ấm áp bao nhiêu, thì bố lại dằn những tình thương đó trong những bài học triết lí về đạo đức sống, đạo lí làm người và cách đối nhân xử thế. Lúc bé tí tẹo, con đã không thể nhận ra được sự quan tâm đó, con hay khóc nhè mẹ bởi vì sự nghiêm khắc cứng nhắc quá đỗi của bố, thậm chí con đã từng tuyên bố là con không yêu bố. Nhưng dần dà từng ngày con lớn lên, con bắt đầu biết suy nghĩ hơn, và con cảm nhận dần được tình thương của bố qua những hành động thường ngày.
Ngay từ bé, tôi luôn tin là sẽ có một siêu anh hùng hay vị thần nào đó đến truyền sức mạnh và đưa tôi đến những vùng đất mới. Cái giá của sự trưởng thành chính là sự đổ vỡ về những hình tượng người anh hùng cao to, lực lưỡng có sức mạnh phi thường là không có thật, nhưng có một chiến binh vẫn giữ trọn niềm tin đấy trong tôi, đó là người hùng mang tên Bố.
Bởi lẽ, bố tôi luôn có một bờ vai vững chai gánh vác và là trụ cột chính của gia đình. Nhà tôi có ba anh em đang còn đi học, mẹ tôi bị đau khớp chân nên cũng không thể làm việc nặng nhiều, thế là, bao nhiêu áp lực về tài chính cơm áo gạo tiền dồn nén lên đôi vai gầy gò xương xẩu của bố. Bố làm từ công việc này đến công việc khác, từ công nhân xây dựng, đến bán hàng, chạy xe ôm, sửa điện, tháo lắp nhôm kính,… Bất kể là công việc nào kiếm được tiền để chăm lo cho gia đình, bố tôi đều hăng say làm. Bố vất vả đi từ tờ mờ sáng, đến tận tối khuya mới về nhà. Nhìn nét mặt mệt mỏi trên khuôn mặt đã hằn sâu sự vất vả cực nhọc theo năm tháng, tôi thương bố vô cùng. Tôi hay ra cổng đón bố về và xoa bóp chân, bả vai giúp bố đỡ mỏi. Những lúc ấy , bố ân cần dịu dàng nở nụ cười , khen ngợi nhưng cũng không quên dặn dò: “ Con gái rượu của bố ngoan quá, sau này cố gắng học hành thành đạt để đỡ khổ như bố nghe con”. Những khoảnh khắc bình yên giản dị như thế, tôi càng cảm nhận rõ tình thương lớn lao mà bố chắt chiu dành dụm vun vén cho gia đình. Cuộc sống vất vả mưu sinh luôn đè nặng nhưng bố chưa bao giờ than vãn hằn học với chúng tôi dù chỉ một câu. Bố luôn là như vậy âm thầm chịu đựng, âm thầm hi sinh, dẫu có những khó khăn chồng chất đến mấy thì trước mặt chúng tôi, bố vẫn luôn hiền từ, dịu dàng, nhân hậu.
Bố luôn yêu các con bằng tấm lòng chân thành nhất, những cũng không quên đi sự nghiêm khắc và cứng rắn mỗi khi chúng tôi phạm sai lầm. Nhưng cách giáo dục của bố chưa bao giờ là những đòn roi hay lời chửi mắng quát tháo, ngược lại, mỗi khi tôi làm sai, bố bình tình từ tốn phân tích cho tôi giảng giải từng chút một và yêu câu tôi viết bảng kiểm điểm để tự suy ngẫm nhận ra lỗi sai của mình, từ đó tự rút ra bài học.
Bố luôn là nguồn động viên lớn lao giúp tôi vượt qua những áp lực và có sức mạnh để đương đầu với khó khăn. Những lúc tôi mệt mỏi vì áp lực thi cử ở trường, chỉ cần nhìn vào ánh mắt thôi là bố hiểu rõ tường tận những nỗi bất an thầm kín của con gái. Bố kiệm lời, nhưng những lời bố nói ra luôn có sức nặng kì lạ. Chỉ một câu nói “ Con làm được” của bố như một liều thuốc hóa giải tất cả nỗi lo âu thường trực và giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Tình thương của bố đến từ những quan tâm nhỏ nhặt. Vào những ngày mưa bão lạnh giá, nửa đêm bố vào phòng để sửa lại chăn cho chúng tôi, những buổi sáng vội vàng đến trường bố nhét ổ bánh mì vào cặp, sợ các con bị đói , hay ánh mắt động viên khích lệ tinh thần vẫy chào con gái bước vào phòng thi đầy lo âu,… Tất cả những điều bé mọn ấy, đã làm nên một người bố tuyệt vời ở hiện tại. Tình yêu ấy thầm lặng mà vĩ đại đến lạ thường, tôi chợt nhớ đến câu hát:
“ Cha thương con nhưng cha không nói
Mẹ thương con mẹ không giấu một lời”
Tình yêu của bố sưởi ấm trái tim của tôi những lúc tôi mệt mỏi nhất. Thật may mắn vì sinh ra trên đời, và càng may mắn hơn khi có một người bố tận tụy luôn sẵn sàng hi sinh cuộc đời của Người, không ngại khó ngại khổ để tôi có một cuộc sống hạnh phúc, bình yên. Bố luôn theo sát tôi trên chặng đường khôn lớn, luôn động viên và khích lệ chấn an tinh thần, cho tôi những bài giảng thấm nhuần triết lí về đạo lí sống. Tôi vẫn còn nhớ, bố dạy tôi phải biết thương người, giúp đỡ người khó khăn trong cảnh hoạn nạn, biết “ Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn kính trọng với thầy cô, cha mẹ. Những bài học sâu sắc ấy đã theo tôi từng ngày và tôi luôn ghi nhớ trong tim.
Người bố luôn vất vả hi sinh vì gia đình, luôn yêu thương các con hết mực. Tôi chỉ mong sao bố luôn khỏe mạnh và luôn là điểm tựa để tôi dựa vào những ngày mệt mỏi căng thẳng áp lực trong cuộc sống. Tôi luôn trân quý tình yêu của bố và tự hứa với bản thân phải cố gắng học hành chăm chỉ, rèn luyện đạo đức thật tốt, nghiêm khắc với bản thân để sau này theo đuổi ước mơ, chạm đến những đỉnh cao, không phụ lòng kì vọng của bố. Và con chỉ muốn nói một câu, rằng “Con yêu bố thật nhiều”.
—
Để lại lời nhận xét bên dưới về bài văn mẫu cảm nghĩ về bố nhằm giúp bài viết hoàn thiện hơn.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)