Đề bài: Bàn về văn hóa của người dùng Facebook hiện nay
Phần 1: Dàn ý bàn về văn hóa của người dùng Facebook hiện nay
Phần 2: Bài văn mẫu Bàn về văn hóa của người dùng Facebook hiện nay
Bài làm:
Facebook là một trong những trang mạng xã hội có độ phủ sóng lớn nhất toàn cầu, ngoại trừ một số quốc gia cấm vận Facebook như Trung Quốc, thì hầu như Facebook có mặt trên khắp thế giới bởi những tính năng ưu việt, cung cấp cho người dùng những trải nghiệm hấp dẫn và mới mẻ mà nhiều trang mạng xã hội khác không có được. Song song với việc phát triển mạnh mẽ của Facebook, văn hóa của người dùng Facebook cũng là một vấn đề đáng được quan tâm hơn cả.
Facebook là một trang mạng xã hội khá phổ biến trên thế giới, do Mark Zuckerberg và những người bạn đồng sáng lập. Để sử dụng được Facebook, mỗi người có thể dễ dàng đăng ký cho mình một tài khoản cá nhân, rồi cập nhập thông tin, chia sẻ nó lên cho mọi người cùng thấy. Đây là một trang mạng có tính kết nối rộng rãi, phục vụ cho nhu cầu liên lạc, kết bạn xuyên quốc gia. Đặc biệt người dùng Facebook không phải trả phí, cho nên trang mạng này lại càng trở nên phổ biến hơn cả với những tính năng hữu ích mà nó đem đến cho người dùng. Từ Facebook, con người có thể đọc, chia sẻ thông tin một cách dễ dàng, thêm bạn bè, giao lưu, học hỏi khai thác những thông tin có ích, từ đó con người tìm thấy niềm vui, giải tỏa căng thẳng sau những gì làm việc, học tập vất vả.
Tuy nhiên, sự phổ biến và công khai của Facebook cũng đem đến những bất cập, mà chủ yếu là do văn hóa sử dụng Facebook tiêu cực của nhiều người dùng. Lợi dụng sức lan tỏa mạnh mẽ và phủ sóng rộng rãi của trang mạng này, những câu chuyện, những thông tin tiêu cực bị lan truyền một cách chóng mặt, mà không có cách nào có thể kiểm soát được. Những thông tin, những văn hóa phẩm đồi trụy, phản cảm được đưa lên mạng xã hội một cách công khai, gây ảnh hưởng đến những người dùng Facebook chân chính, lành mạnh, gây rối loạn văn hóa, làm suy đồi đạo đức, ảnh hưởng đến tâm lý, tâm hồn của con người. Chẳng hạn, người ta liên tục chia sẻ một bức ảnh nóng, một clip sex vô tình bị lộ của một nữ diễn viên nào đó, rồi vô tư bình luận cười cợt, mà không cần biết đến cảm nhận của nạn nhân; hay việc cổ súy ủng hộ cho những hành động điên rồ, tự hại bản thân ví như rạch tay, tự tử, chụp ảnh trên đường cao tốc, thậm chí là thách thức lẫn nhau,… Thêm vào đó trong thời gian gần đây còn có một định nghĩa mới là “cư dân mạng”, đây là một bộ phận đông đảo, có tính tò mò, ưa chuyện thị phi, không phân biệt đúng sai, chỉ ngồi sau màn hình máy tính để múa phím, phát biểu vô thưởng vô phạt, thậm chí có những phát ngôn cay độc gây tổn thương sâu sắc đến nạn nhân, người ta gọi đó là “bạo lực mạng”. So với những vụ bạo lực diễn ra ngoài thực tế, thì bạo lực mạng cũng không kém phần nguy hiểm. Nó gây ra những tổn thương sâu sắc về tinh thần, khiến nạn nhân có suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm thậm chí là tự tử chỉ vì những lời nói xúc phạm, miệt thị, không trách nhiệm, không phân biệt đúng sai, chỉ để thỏa mãn cái thói ham hư vinh, muốn thể hiện bản thân của các “cư dân mạng” mà không biết ai là ai ấy. Rồi thì Facebook cũng là một mảnh đất màu mỡ, nơi mà người ta thỏa sức tạo trào lưu, tạo ra những scandal nhằm thu hút sự chú ý, để nhanh chóng nổi lên như một “hiện tượng”. Một số cá nhân lập ra cả những trang, những nhóm chỉ để chia sẻ những thông tin tiêu cực, nhảm nhí, đôi lúc còn là những nội dung phản động, chống phá nhà nước Việt Nam, bôi nhọ lãnh tụ những người có công với đất nước, cực kỳ nguy hiểm.
Nhận thức được những mặt tiêu cực đến từ văn hóa sử dụng Facebook chưa đúng đắn của một bộ phận người dùng, bản thân chúng ta phải ý thức được hành động của mình. Cân nhắc và suy xét thật kỹ tất cả những thông tin mà chúng ta chia sẻ lên Facebook, bao gồm ảnh, phát ngôn cùng các loại thông tin dưới định dạng khác. Phải chắc chắn rằng chúng không vi phạm pháp luật, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, không gây hại và làm tổn thương đến các cá nhân khác đồng thời là cả bản thân mình. Tốt hơn hết, ta chỉ nên chia sẻ những thông tin có giá trị tích cực, tạo động lực cho bản thân và người khác, thể hiện được tầm nhìn và nhân cách đứng đắn. Chúng ta cũng cần phải biết lựa chọn tiếp cận những thông tin có ích, tự động loại bỏ những thông tin tiêu cực phản cảm. Thận trọng và suy nghĩ trước khi tương tác với một bài viết, một thông tin về chủ đề nào đó. Cuối cùng, hãy nhớ Facebook chỉ là một công cụ hỗ trợ cho cuộc sống thêm phần đa dạng, chứ không phải là cả cuộc sống của chúng ta gói gọn trong đó. Đừng lãng phí thời gian quý giá của bản thân vào Facebook, mà bỏ qua những giá trị, những cơ hội tốt đẹp ngoài xã hội, thay vào đó chúng ta hãy đầu tư thời gian vào việc trau dồi kiến thức, tu dưỡng đạo đức cho bản thân thì tốt hơn cả.
Không thể phủ nhận được những giá trị mà Facebook đem lại cho cuộc sống của con người. Chúng ta hãy là những người dùng Facebook có văn hóa, có đạo đức, sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh này vào những mục đích chính đáng, tốt đẹp, mang lại lợi ích cho cộng đồng, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, làm đẹp tâm hồn. Việc chúng ta tận dụng mạng xã hội như thế nào chính là thước đo nhân cách, là tấm gương phản chiếu rõ nhất tầm nhận thức và văn hóa của chính chúng ta.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)