Nói và viết là 2 phương thức giao tiếp và diễn đạt phổ biến nhất mà chúng ta sử dụng để trò chuyện, làm việc, học tập trong xã hội. Vậy đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là gì? Hãy cùng thuvienhoidap.net tìm hiểu chủ đề văn học này nha.
Ngôn ngữ nói có những đặc điểm gì?
Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều có ngôn ngữ riêng và họ sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ có những đặc điểm riêng và ngôn ngữ tiếng Việt cũng có một vài đặc điểm chính gồm:
a – Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ âm thanh
Ngôn ngữ nói là ngôn ngữ âm thanh được phát ra từ con người, các thiết bị điện tử được ghi âm giọng nói…
Đó là những lời nói trong giao tiếp hằng ngày, ở đó người nói và người nghe được tiếp xúc trực tiếp với nhau và có thể luân phiên nhau trong vai trò nghe và nói. Hoặc có thể giao tiếp thông qua điện thoại di động, điện thoại bàn và các thiết bị có thể liên lạc từ xa được.
Do đó, trong giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, người nghe có thể phản hồi, tương tác, đánh giá và trả lời để người nói điều chỉnh, sửa đổi.
Mặc khác, do sự giao tiếp của ngôn ngữ nói diễn ra tức thời, nhanh lẹ cho nên người nói ít có điều kiện lựa chọn, gọt giũa các phương tiện ngôn ngữ và người nghe cũng phải tiếp nhận, lĩnh hội kịp thời, ít có điều kiện suy ngẫm, phân tích kỹ.
b – Ngôn ngữ nói đa dạng về ngữ điệu
Nếu ngôn ngữ viết có thể biểu bằng văn bản thì ngôn ngữ nói rất đa dạng về ngữ điệu như giọng nói có thể cao hay thấp, nhanh hay chậm, liên tục hay ngắt quãng, mạnh hay yếu, trầm hay bổng, ngọt ngào hay chua chát…
Ngữ điệu trong ngôn ngữ nói là đặc điểm quan trọng để biết người nói có cảm xúc gì? nội dung đó có quan trọng không và nó góp phần bổ sung và bộc lộ thông tin.
Đồng thời trong ngôn ngữ nói còn có sự phối hợp giữa âm thanh, giọng điệu với các phương tiện hỗ trợ như nét mặt, ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, thần thái… của người nói.
c – Ngôn ngữ nói sử dụng từ ngữ đa dạng
Trong ngôn ngữ nói, chúng ta có thể sử dụng từ ngữ đa dạng, tự do ngôn luận, có nhiều lớp từ ngữ mang tính khẩu ngữ, có cả từ ngữ địa phương, tiếng lóng, chơi chữ, các biệt ngữ, các trợ từ, thán từ, các từ ngữ đưa đẩy, chêm xen…
Về cấu trúc câu, ngôn ngữ nói thường dùng các hình thức tỉnh lượt hay thậm chí sử dụng 1 từ ( thường đó là những câu đặc biệt).
Nhưng nhiều khi các câu nói lại rườm rà, có nhiều yếu tố trùng lặp, dư thừa vì lời nói được tạo ra tức thời không có điều kiện gọt giũa hoặc do người nói cố ý lặp lại để người nghe có thể tiếp nhận, lĩnh hội thấu đáo nội dung giao tiếp.
Lưu ý cần phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ đọc ( văn bản) trong đó đọc ( thành tiếng) cũng phát ra âm thanh để mọi người nghe nhưng phụ thuộc vào văn bản đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Vì vậy, đọc chỉ là hình thức phát âm văn bản viết và không thể phát ngôn bằng ngữ điệu tự do như ngôn ngữ nói. Nhưng người đọc có thể tận dụng những ưu thế của ngôn ngữ nói để tăng tính biểu cảm cho bài phát biểu đó.
Ngôn ngữ viết có những đặc điểm gì?
Ngôn ngữ viết xuất hiện sau ngôn ngữ nói nhưng nó là phương tiện quan trọng trong kinh doanh, giáo dục… Dưới đây là những đặc điểm chính của ngôn ngữ viết gồm:
a – Ngôn ngữ viết được thể hiện bằng chữ viết
Tất cả các dạng ngôn ngữ viết đều được thể hiện bằng chữ viết trong văn bản và được tiếp nhận bằng thị giác. Cho nên, muốn viết và đọc văn bản thì cả người viết và người đọc phải hiểu biết các ký tự chữ viết, các ngôn ngữ chính tả, các quy tắc tổ chức văn bản.
Mặc khác, khi viết người viết có điều kiện và thời gian để suy ngẫm, lựa chọn, gọt giũa, còn khi đọc, người đọc có điều kiện để đọc lại nhiều lần, phân tích, nghiền ngẫm để lĩnh hội thấu đáo.
Cũng nhờ sự ghi chép bằng chữ trong văn bản mà mà ngôn ngữ viết đến được với đông đảo người đọc trong phạm vi không gian rộng lớn và thời gian lâu dài.
b – Ngôn ngữ viết có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc
Ngôn ngữ viết tuy không có ngữ điệu và sự phối hợp của các yếu tố hỗ trợ như nét mặt, cử chỉ, điệu bộ… Nhưng lại được sự hỗ trợ của dấu câu trong tiếng Việt, của các ký hiệu văn tự, hình ảnh minh họa, các bản biểu, sơ đồ…
c – Ngôn ngữ viết từ ngữ được sử dụng có chọn lọc
Trong ngôn ngữ viết, từ ngữ được lựa chọn, thay thế nên có điều kiện đạt được tính chính xác. Đồng thời, tùy vào phong cách ngôn ngữ của văn bản mà người viết sử dụng với tần số cao các từ ngữ phù hợp với các loại văn bản trong tiếng Việt.
Nhìn chung, trong văn bản viết người ta tránh sử dụng các từ ngữ mang tính khẩu ngữ, từ ngữ địa phương, tiếng lóng, tiếng tục…
Về cấu trúc câu, trong ngôn ngữ viết thường có những câu dài, nhiều thành phần nhưng được tổ chức mạch lạc, chặt chẽ nhờ các quan hệ từ và sự sắp xếp các thành phần phù hợp.
Những lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ viết và nói
Ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết trong văn bản. Ví dụ như văn bản truyện có lời nói của các nhân vật, bài báo chi ghi lại cuộc phỏng vấn hoặc cuộc tọa đàm, bài ghi lại cuộc nói chuyện… Trong trường hợp này văn bản viết nhằm mục đích thể hiện ngôn ngữ nói trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và khai thác những ưu thế của nó.
Ngôn ngữ viết trong văn bản được trình bày lại bằng lời nói miệng. Ví dụ bài thuyết trình trước một hội nghị bằng một bài báo cáo đã viết sẵn, nói trước công chúng theo một văn bản… Thì trong trường hợp này lời nói tận dụng được ưu thế trong ngôn ngữ viết, đồng thời vẫn có sự phối hợp của các yếu tố hỗ trợ trong ngôn ngữ nói như ngữ điệu, cử chỉ, nét mặt…
Ngoài hai trường hợp trên, tránh sự nhầm lẫn, lẫn lộn giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết và tránh sử dụng những yếu tố đặc thù trong ngôn ngữ nói để sử dụng trong ngôn ngữ viết và ngược lại.
Kết luận: Ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết có những đặc điểm về hoàn cảnh sử dụng trong giao tiếp, về các phương tiện cơ bản và yếu tố hỗ trợ về từ ngữ và câu văn. Vì thế cần nói và viết cho phù hợp với những đặc điểm riêng đó.