Đề bài: Bình giảng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
I. Dàn ý Bình giảng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (Chuẩn)
1. Mở bài
– Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Thi
– Ý nghĩa bài thơ: Bài thơ là những lời đúc kết suy ngẫm, cảm xúc của tác giả trong những năm tháng kháng chiến và những cảm xúc trân trọng, yêu thương của tác giả dành cho đất nước thân yêu.
2. Thân bài
a. Mùa thu Hà Nội trong hoài niệm của tác giả:
– Từ cảnh của thu Việt Bắc, tác giả nhớ về thu Hà Nội
+ “Mát trong”: trong lành, se se lạnh
+ So sánh hiện tại với quá khứ: đồng hiện
– “Hương cốm mới”: Đặc trưng của mùa thu Hà Nội, len lỏi trong từng làn gió (so sánh với “hương ổi” trong thơ Hữu Thỉnh)
– “Nhớ”: Hoài niệm về những năm tháng mùa thu còn ở Hà Nội
– “Chớm lạnh”: vừa chạm khẽ vào cái lạnh, cái se se, hiu hắt đặc trưng của mùa thu.
+ Nghệ thuật sử dụng từ tinh tế, đậm chất mùa thu Hà Nội
– “Những con phố dài”: đây là con phố Hà Nội cổ kính, “hơi may”: từ Hán Việt nghĩa là gió lạnh: Cách sử dụng từ tinh tế, bơi nếu sử dụng từ “gió lạnh” sẽ làm mất đi không khí của mùa thu.
– Sự quyết tâm ra đi vì chí lớn non sông của người con Hà Nội “đầu không ngoảnh lại”
+ Sự lưu luyến quê hương của người con Hà Nội: “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
=> Ẩn trong là nỗi nhớ tha thiết quê hương cùng tình yêu Hà Nội nồng nàn
b. Mùa thu ở chiến khu Việt Bắc: Sự thay đổi tâm trạng của tác giả giữa quá khứ và hiện tại
– Câu thơ khẳng định: “Mùa thu nay đã khác rồi”: thể hiện niềm hân hoan, phấn khởi trước cuộc sống mới.
– “Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi”: ba động từ liên tiếp trong câu, thể hiện sự chú ý cao độ, đặt trọng tâm tuyệt đối hướng về đất nước.
– Hình ảnh “rừng tre” xuất hiện: biểu trưng cho con người Việt Nam
+ “phấp phới”: từ láy tả hình ảnh, thường gợi lên hình ảnh của những vật mỏng, nhỏ bay trong gió
– Hình ảnh “trời thu” “trong biếc”: mùa xanh của hi vọng, tự do cùng với âm thanh “nói cười tha thiết”: niềm vui lan tỏa, tâm thế của những con người làm chủ đất nước
– Nhà thơ khẳng định niềm tự hào dân tộc, tự hào về đất nước giàu đẹp của mình. (so sánh với Bình Ngô đại cáo).
+ Lời thơ là sự khẳng định chủ quyền dân tộc, khẳng định độc lập đất nước.
+ Điệp ngữ “đây”
+ Biện pháp liệt kê: khẳng định đất nước này mãi mãi là của dân tộc Việt
+ Điệp ngữ “chúng ta”: khẳng định tinh thần đoàn kết dân tộc, lời tuyên ngôn chắc nịch.
⇒ Đoạn thơ mang cảm hứng sử thi, khẳng định chủ quyền dân tộc, nhân vật trữ tĩnh trong tâm thế tự do ngẩng cao đầu.
c. Hình ảnh của đất nước trong chiến tranh đau thương
– Niềm tự hào về truyền thống bất khuất của cha ông “nước những người chưa bao giờ khuất”: những người con Việt cứ lớp này đến lớp khác đứng lên vì tự do dân tộc => Nhắc chúng ta nhớ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
– “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất”: tiếng hồn của dân tộc “vọng nói về”, mỗi đếm trải suốt bốn nghìn năm.
– Hình ảnh của đất nước trong đau thương, tang tóc:
+ Đối lập với hình ảnh thanh bình bên trên – hình ảnh dây thép gai
+ Nghệ thuật nhân hóa: cảm giác đau thương, căm phẫn nghẹn ngào
+ Hình ảnh “đêm dài hành quân” trở nên thi vị vì “nhớ mắt người yêu” =>Tình yêu đôi lứa hòa quyện cùng tình yêu đất nước, trở thành động lực phấn đấu cho Tổ quốc.
=> Hình ảnh đất nước trong chiến tranh đầy đau khổ
– Nhưng đau khổ hơn khi tác giả diễn tả sự độc ác, tàn bạo của quân thù “Bát cơm … lột da”
=> Hoàn cảnh ấy đã rèn giũa lên những người anh hùng.
=> Sự tương phản giữa tội ác của giặc và sự đau thương, sức sống mãnh liệt của dân tộc ta góp phần khẳng định phẩm chất anh hùng. Khẳng định chân lý: yêu hòa bình, lòng yêu nước của dân tộc.
– Tiếp theo, Nguyễn Đình Thi khẳng định lại tinh thần chiến đấu kiên dũng, anh hùng của người dân Việt Nam, khẳng định lòng yêu nước nồng nàn.
d. Hình ảnh đất nước với khát vọng hướng tới tương lai
– Hình ảnh tương lai tươi sáng của dân tộc được xây đắp từ những đau thương
– Hình ảnh “trời đất mới”, “bát ngát ánh bình minh”: tượng trưng cho ngày mai tươi sáng của dân tộc
– Tác giả mượn hình ảnh “tức nước vỡ bờ” để miêu tả sự dữ dội của những con người đứng lên từ máu và nước mắt
– Kết bài thơ là “Nước Việt Nam … sáng lòa”: đây là hình ảnh so sánh đối chiếu tinh tế (bùn – sáng lòa): ngời lên ý chí và tinh thần của người Việt.
e. Kết luận chung:
– Hình ảnh thơ giản dị, mộc mạc lồng trong tinh thần yêu nước
– Lời thơ chứa chan niềm tự hào, tươi vui, tự hào truyền thống dân tộc.
– Mạch cảm xúc chuyển biến tinh tế, khi vui khi buồn
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Bình giảng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi (Chuẩn)
Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài trên văn đàn Việt Nam. Ông không chỉ đóng góp to lớn cho nền thơ ca Việt mà còn cho cả nền âm nhạc nước nhà với bài hát Người Hà Nội vô cùng nổi tiếng. Trong sự nghiệp thơ ca của mình, ông để lại tác phẩm nổi tiếng nhất là bài thơ Đất nước. Bài thơ được viết trong tám năm ròng, đó là những cảm nhận về đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu có, trải qua những năm tháng đau thương đã quật cường đứng lên chiến đấu với sức mạnh phi thường. Qua đó, cũng thể hiện hi vọng về một tương lai tươi sáng, rạng rỡ của dân tộc Việt Nam – “những người áo vải”.
Bài thơ Đất nước được ra đời gắn liền với chiều dài lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai của quân và dân ta. Tuy bài thơ chỉ có bốn mươi chín dòng thơ ngắn ngủi nhưng trong đó là kết tinh của cảm xúc, trải nghiệm của tác giả trong tám năm dài. Chính vì thế, bài thơ hòa quyện bởi sư sâu lắng suy tư, nhưng cũng chứa chan niềm hân hoan tự hào về dân tộc ta, đất nước ta.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi viết:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới”
Đất nước là tác phẩm được hòa quyện bởi hai tác phẩm khác của Nguyễn Đình Thi là “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và tác phẩm “Đêm mít tinh” có lẽ chính vì vậy, mở đầu bài thơ ông đã giới thiệu như thế. Không khí mùa thu phảng phất ngây ngất ngay từ những dòng đầu tiên, đây hẳn là mùa thu của Hà Nội trong tâm trí ông bởi khi đó ông đang công tác trên chiến khu Việt Bắc. Là người con của Hà Nội, vậy nên ông nhớ nhất là những buổi sáng mùa thu trong mát, với gió hiu hắt thổi, không khí se se lạnh. Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã đặt một phép so sánh “sáng mát trong như sáng năm xưa”. “Năm xưa” là những năm Hà Nội trước thời chiến, hay là năm xưa của mùa thu lịch sử khi Hồ Chủ tịch đứng trước quảng trường Ba Đình đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập? Dù là năm nào thì đó cũng là một mùa thu trong mát, thật êm dịu, mát lành trong tâm trí của nhà thơ. Và trong làn gió ấy, phảng phất hương cốm thơm, mùi hương đặc trưng nhất của thu Hà Nội. Ai cũng biết, Hà Nội vào thu nổi tiếng nhất là món cốm làng Vòng, xanh mát và thơm nồng. Cái hương cốm mới ấy quyện lại làm nên hương vị đặc trưng rất riêng của mùa thu Hà Nội. Cũng cũng suy nghĩ như thế, nhưng Hữu Thỉnh lại nhớ mùa thu trong hương ổi nồng nàn:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Mỗi người thi sĩ đều có cách cảm khác nhau, nhưng Nguyễn Đình Thi thật đặc biệt, bởi ông cảm thấy nó, cảm thấy mùa thu ấy, hương cốm ấy trong tâm trí của mình. Có thể nói rằng chính tình yêu Hà Nội tha thiết đã khiến ông chẳng thể nào quên được những đặc trưng riêng của quê hương mình, rộng hơn là đất nước mình.
Trong đoạn thơ này, ông cũng rất đặc biệt sử dụng nghệ thuật “đồng hiện”, tái hiện quá khứ và hiện tại trong cũng một đoạn thơ. Bên trên là hiện tại thì ngay ở bên dưới, quá khứ trong suy tưởng của ông đã hiện ra:
“Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những con phố dài xao xác hơi may”
Cả một bầu trời kỉ niệm cuộn trào trong tâm trí ông, tất thảy đều là hình ảnh của mùa thu Hà Nội. Ông nhớ những ngày đầu thu Hà Nội, trong cái không khí se se lạnh, gió hiu hắt, bước chân trên những con phố dài, lòng người lẫn lộn biết bao cảm xúc suy tư. Mùa thu Hà Nội thật đẹp và phải là người tinh tế mới nhận ra nét đẹp ấy từ những con phố dài cổ kính, dưới những tán lá cao, trong cái khí “chớm lạnh” se của đất trời. “Chớm lạnh” chứ chưa phải lạnh, nó là cái không khí đặc trưng nhất của mùa thu. Nguyễn Đình Thi đã thật tinh tế khi chọn từ này bởi cái lạnh mới chớm kia mới gợi ra cho lòng người biết bao nỗi nhớ, se sắt mà đầy hoài niệm. “Hơi may” là một từ Hán Việt, được Nguyễn Đình Thi khéo léo đặt ở trong câu thơ và nghĩa của nó là gió lạnh. Nghe từ “gió lạnh”, người ta thấy cả mùa đông, nhưng “hơi may” lại khiến người ta nhận ra cái cảm giác bình yên, nhẹ nhàng của mùa thu trong mát. Và cái “hơi may” ấy đang xao xác trên “những con phố dài”. “Xao xác” là từ tượng thanh, thường dùng để chỉ âm thanh của lá rơi. Nhưng ở đây, tác giả đã đặc cách sử dụng nó để tả “hơi may” của mùa thu, khiến cho chúng ta phải ngỡ ngàng. Mùa thu không chỉ hiện ra hình khối, màu sắc, mà còn có cả âm thanh nữa.
Nhớ mùa thu Hà Nội da diết là thế, nhưng việc ra đi là điều chẳng thể tránh khỏi, vậy nên, kết lại khổ thơ thứ nhất, Nguyễn Đình Thi viết:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Đó là lòng quyết tâm của một người con Hà Nội, yêu quê hương đến cháy lòng. Yêu quê hương, yêu đất nước nên mới quyết tâm ra đi “không ngoảnh lại”. Biết là lưu luyến đấy, nhưng chí lớn của non sông vẫy gọi, sao có thể không ra đi chứ? Đó là nỗi ngập ngừng giữa lý trí và tình cảm trong lòng những lứa trí thức ra đi vì non sông, lòng người ly biệt vẫn đầy những luyến lưu với quê hương, với cả mùa thu nữa. “Đầu không ngoảnh lại” thể hiện một quyết tâm kiên cường, để lại đằng sau lưng là những nỗi nhớ thương da diết, khôn nguôi. Nhịp thơ ở đây thật nhẹ nhàng, nhưng sau đó là biết bao giằng xé của nội tâm, để đến cuối cùng, họ vẫn quyết tâm bỏ lại cái tôi ở lại, ra đi vì đất nước thân yêu của mình.
Đoạn thơ đầu tiên được viết trong nỗi nhớ Hà Nội, trong tâm tưởng của nhà thơ. Đó là sự hoài niệm về quá khứ với bao yêu thương, say mê. Thế nhưng, không đắm chìm mãi trong hoài tưởng suy tư, Nguyễn Đình Thi trở lại với hiện tại với niềm vui phơi phới, với mùa thu của chiến khu Việt Bắc:
“Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng nghe vui giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
Vừa mới hoài niệm về một mùa thu Hà Nội với bao nỗi niềm thế mà ngay câu thơ thứ hai, Nguyễn Đình Thi đã khẳng định “mùa thu nay đã khác rồi”. Đó là một lời khẳng định chắc nịch của nhà thơ về mùa thu của đất nước đã đổi thay. Nhịp thơ ở đoạn này nhanh hơn, mạnh mẽ và rộn ràng hơn. Nó như một khúc ca ngợi ca vậy bởi “khác” ở đây không chỉ là mùa thu mà còn là tâm thế, vị thế của con người nữa. Chẳng thế mà ông đã ngân nga, vui sướng giữa đất trời:
“Tôi đứng nghe vui giữa đất trời”
Ba động từ liên tiếp “đứng nghe vui” được đặt cạnh nhau trong một câu thơ, người ta mới thấy cái rộn ràng vui sướng của tác giả dường như đã lây sang cả người đọc chúng ta. Ba động từ liền sát, thể hiện sự tập trung cao độ vào một hướng duy nhất “đất trời” – hay chính là đất nước quê hương ta. Đất nước hiện lên trong niềm vui rộn rã, thế nên chẳng thể thiếu được hình ảnh của những cây tre quen thuộc – loài cây biểu tượng của non sông ta. Cây tre ấy như Nguyễn Duy đã nói:
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”
Phải, hình ảnh ấy là vô cùng thân thuộc với mỗi con người Việt Nam. Bởi nó là biểu tượng cho ý chí kiên cường của con người, của dân tộc ta, luôn vươn dậy mạnh mẽ. Từ “phấp phới” được đặt ở đây mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Bởi nó thường để tả những vật có kích thước nhỏ, mỏng và dẹp, nhưng Nguyễn Đình Thi lại nói “gió thổi rừng tre phấp phới”. Phải chăng sau rừng tre xanh ấy là lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió thu se lạnh?
Và hơn thế nữa, trời thu ở đây chẳng còn xám xịt, mang vẻ buồn rầu lặng lẽ như những ngày còn ở “những con phố dài” Hà Nội nữa. Mùa thu đã “thay áo mới”, khoác trên mình tấm áo”xanh biếc” thiết tha. Bầu trời thu thay đổi hay là vì tâm thế con người thay đổi đã khiến mùa thu có thêm sắc màu rực rỡ? Những âm thanh “nói cười” cũng rộn rã biết bao nhiêu. Không khí thu chẳng còn “hơi may” se lạnh nữa, nó ấm áp hơn, trời thu trong xanh, cao rộng hơn, con người cũng hân hoan hơn. Bởi giờ đây chúng ta đã làm chủ đất nước, đã được tự do rồi.
Tiếp sau, Nguyễn Đình Thi thể hiện sự tự hào của mình trong niềm vui hân hoan, tự hào về một đất nước giàu đẹp với “trời xanh”, “núi rừng”, “những cánh đồng thơm ngát”, “dòng sông đỏ nặng phù sa”. Tác giả đã liệt kê một loạt những hình ảnh giàu đẹp của quê hương để thể hiện niềm vui được làm chủ đất nước, khẳng định ý thức về quyền làm chủ quê hương. Điệp từ “đây”, “của chúng ta” được lặp lại liên tục như một lời khẳng định chắc chắn, đất nước này là của chúng ta, của dân tộc ta.
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Đọc tới đây, chúng ta hẳn thấy được tính sử thi đậm nét trong đoạn thơ này. Tác giả đã mượn lời của nhân dân để khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc. Và giờ đây, với tâm thế của một kẻ tự do, nhân vật trữ tình đang ngẩng cao đầu tuyên bố sự tự do dân chủ ấy. Hình ảnh ấy chúng ta cũng bắt gặp một vài lần trong thơ ca Việt, đặc biệt trong tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Ta không thể quên những lời tuyên bố đanh thép của ông:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”
Trong niềm vui tự hào ấy, tác giả đã trầm ngâm suy tư về truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay. Với bốn ngàn năm lịch sử dựng và giữ nước, dân tộc đã đã làm nên nhiều trang sử anh hùng. Nhịp thơ ở đây cứ chậm rãi như suy tư suy tưởng:
“Nước chúng ta
Nước những con người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”
Chúng ta, một dân tộc chân lấm tay bùn, cuộc sống vất vả, lam lũ là thế nhưng chúng ta “chưa bao giờ khuất”. Sau lớp bùn nâu là một trái tim yêu nước nhiệt thành, sẵn sàng hi sinh vì đất nước non sông. Lớp này ngã xuống, lớp khác sẽ đứng lên, chưa bao giờ chúng ta chịu khuất phục trước bất kì kẻ thù nào. Truyền thống đánh giặc của dân tộc ta được truyền qua bao thế hệ, từ những thời bà Trưng bà Triệu, đến buổi ba lần dẹp quân Mông – Nguyên, có hy sinh, gian khổ trong quá khứ mới có được ngày hôm nay. Những lời nói của cha ông dạy bảo “đêm đêm” cứ vang vọng lên “vọng nói về” từ trong “tiếng đất”, gợi nhắc chúng ta về truyền thống anh hùng của dân tộc cũng như đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Thế nhưng giờ đây, đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn nguy nan, những “cánh đồng thơm ngát” đang bị quân thù giày xéo đến “chảy máu”. Những hình ảnh về chiến tranh thật đau thương biết mấy:
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”
Chẳng còn mùa thu yên bình dịu dàng như trước, đất nước đang rơi vào đau khổ. Bức tranh buổi chiều của Nguyễn Đình Thi vẽ lên sao mà ám ảnh thế! “Những cánh đồng quê chảy máu” – ánh mặt trời rọi xuống không gian một màu đỏ ối, nhuộm đỏ cả cánh đồng chiều hôm, Đây là một buổi chiều được vẽ lên trong buổi hành quân. Sự nhân hóa ấy như muốn nói lên sự tang thương, sự đau đớn của mỗi miền quê Việt đang phải oằn mình trong chiến tranh. Biết bao máu xương sẽ phải đổ xuống để giành lại được độc lập đây? Rồi “Dây thép gai đâm nát trời chiều” – quả là một hình ảnh ám ảnh. “Dây thép gai” – thứ mà quân xâm lược dựng lên để chống lại quân và dân ta, đó là biểu tượng của chiến tranh, của đau khổ. Những sợi dây thép tua tủa ấy đâm thẳng vào bầu trời chiều, “đâm nát” cả trời chiều êm ả, nó gợi lên sự đau thương mà chiến tranh gây ra cho quê hương Việt Nam. “Đâm nát” là một động từ mạnh, thể hiện sự tàn bạo, dã man kết hợp với nghệ thuật nhân hóa càng khiến cho hình ảnh đất nước thêm đau thương. Chúng ta cảm nhận thấy ở đây có một sự căm hận đến nghẹn ngào.
Thế nhưng, trong những buổi hành quân ấy cũng có chút thi vị để át đi cái đau thương đang hiện hữu. Một chút bâng khuâng, nhớ nhung “mắt người yêu” khiến cho lòng người chiến sĩ thêm dư vị ngọt ngào, để khiến anh thêm động lực lên đường chiến đấu. Nhắc tới người yêu, tưởng như là chuyện riêng tư đó, thế nhưng cái tình yêu đôi lứa ấy đã hòa quyện trong tình yêu lớn của đất nước, chuyển hóa thành hành động khiến chàng trai có thêm niềm tin yêu, động lực để chiến đấu vì mục tiêu chung của đất nước.
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
Người ta cũng đã từng bắt gặp nỗi niềm tương tư ấy trong một bài thơ khác cũng của một người con Hà Nội – đó là chàng trai Quang Dũng trong “Tây tiến”:
“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Đọc đến đây, người đọc chợt nhận thấy cái sức mạnh chiến đấu đang dần mạnh mẽ lên gấp bội bởi sự căm hờn lũ giặc ngoại xâm, tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước đã quyện lại trở thành động lực thúc đẩy người chiến sĩ:
“Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn”.
Lũ giặc cướp nước đã dày xéo quê hương ta, nhân dân đã đã trải qua bao năm tháng chiến đấu, chống lại kẻ thù. Những nỗi đau xót mà kẻ thù gây nên đã khiến những gì hiền hòa nhất, “hồn hậu” nhất cũng phải “bật lên nỗi căm hờn” khôn xiết. Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã liệt kê một loạt những hành động tội ác của kẻ thù:
“Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da…”
Những hình ảnh gợi tả ấy thật khiến chúng ta day dứt. Cuộc sống của người nông dân dưới ách thống trị tàn bạo của kẻ thù thật khiến người ta phải căm hờn. “Thằng giặc Tây, thằng chúa đất” – những kẻ tàn bạo xâm lăng, lũ bán nước và lũ cướp nước đang dày xéo quê hương ta, làm khổ đau nhân dân ta.
Vậy nên trong cái gian khổ, cái đau xót ấy, dưới sự tàn bạo, độc ác ấy của kẻ thù đã tôi luyện lên những người anh hùng, tôi luyện lên lòng yêu nước mạnh mẽ:
“Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng”.
Lời khẳng định chắc nịch của Nguyễn Đình Thi trước sự tàn bạo của kẻ thù. Chúng bay có thể cướp được đất, được ruộng, thóc lúa của chúng ta, nhưng chúng bay sẽ chẳng thể khóa được cánh chim tự do của dân tộc ta, khóa được hoa thơm của dân tộc ta. Chúng ta có thể giết được dân ta nhưng không thể nào giết được “lòng dân ta yêu nước thương nhà”. Chúng bay chỉ khiến dân tộc ta thêm căm hờn, thêm yêu nước, cho chúng ta thêm động lực để vươn dậy thành “những anh hùng”. Nguyễn Đình Thi đã khắc họa hai bức tranh tương phản giữa tội ác dã man của giặc và sức sống mãnh liệt của dân tộc ta, từ đó ông khắc họa rõ nét hơn phẩm chất anh hùng của dân tộc, đất nước ta. Qua đó, ông cũng muốn khẳng định chân lý rằng: Sự tàn bạo của kẻ thù không thể tiêu diệt được tình yêu, khát vọng sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam mà chỉ góp phần tôi luyện chúng ta trở thành những người anh hùng.
Tội ác của kẻ thù gây nên chỉ khiến chúng ta có thêm sức mạnh, động lực để gây dựng lên một tương lai tràn đầy tự do và hạnh phúc. Tương lai ấy, ngày mai ấy được dựng lên từ chính hôm nay, những gian khó sẽ được bù đắp:
“Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh”
Đọc bài thơ mà ta cảm nhận được, những người anh hùng đã làm nên độc lập chính là những người áo vải. Họ là những người vô danh, nhưng vì tình yêu Tổ quốc đã cống hiến cả xương máu của mình cho độc lập tự do của đất nước. Nhà thơ cũng khẳng định: “Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh”, phải hi sinh, phải mất mát thì mới có được tự do, mới trân trọng sự tự do ấy. Tuy là mất mát đấy, đau thương hi sinh đấy, nhưng họ vẫn luôn hướng về một “trời đất mới”, nơi mà “bát ngát ánh bình minh”. Đêm tối đau khổ sẽ lùi dần về phía sau, trước mắt chúng ta sẽ là một chân trời mới rực sáng màu “bình minh”.
Kết lại bài thơ, chúng ta bắt gặp một hình ảnh vô cùng hoành tráng:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Đây như lời miêu tả cuộc tổng tiến công của quân đội nhân dân Việt Nam, nơi súng đạn và những người chiến sĩ đang tiến lên giành lấy tự do, nơi âm vang cuối cùng của cuộc chiến. Để đến cuối cùng kết lại là một hình ảnh tươi sáng, rực rỡ hơn bao giờ hết. Nước Việt Nam ta kết thúc chiến tranh, bước ra “từ máu lửa” đau thương nhưng sẽ “rũ bùn” để “đứng dậy sáng lòa”, trở thành một đất nước độc lập tự do, giàu mạnh. Hai hình ảnh thơ đối lập “máu lửa – sáng lòa”, đó là lời kết đầy khẳng định về hình ảnh con người Việt Nam hiên ngang, bất khuất.
Bài thơ được viết trong suốt tám năm, suốt chặng đường quân và dân ta đang đứng lên chống thực dân Pháp trở lại, vậy nên nó có một sức khái quát vô cùng lớn. Khái quát hình ảnh con người dân tộc Việt Nam suốt cuộc kháng chiến, có đau thương, có mất mát, nhưng cũng có anh hùng bất khuất, hướng tới tương lai. Ngôn từ trong bài thơ cũng mang tình hàm súc và giản dị. tác giả đã thổi vào mỗi từ ngữ trong bài thơ một nỗi lòng của mình, một tình yêu nước sâu nặng. Cũng phải kể tới sự linh hoạt trong ngôn từ, cách diễn tả, sự biến đổi tinh tế cảm xúc giữa các dòng thơ đã góp phần tạo nên thành công cho bài thơ này.
Bằng nỗi lòng tràn đầy tình yêu và cảm xúc, với một hồn thơ tinh tế xúc cảm, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lên hình tượng đất nước từ những hình ảnh vô cùng quen thuộc. Đó là một đất nước êm đềm, thanh bình, chịu những đau thương của chiến tranh nhưng vẫn quyết tâm, kiên cường, bất khuất giành lại tự do, hướng tới một tương lai tươi sáng. Hình ảnh đất nước đó khiến chúng ta không thể nào quên.
————————–HẾT——————————
Tìm hiểu về bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, bên cạnh bài Bình giảng bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, các em có thể tham khảo thêm: So sánh hình tượng đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi, Hình tượng đất nước đau thương mà anh dũng trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bình giảng khổ cuối bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.
Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)