Phân tích Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định: “Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi”

Đề bài: Phân tích Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định: “Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi”

phan tich voi vang de lam sang to nhan dinh the nao la tho do khong phai chi la mot nghe thuat do la su giai thoat cua long toi

 Phân tích Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định

Bài làm:

Mỗi một bài thơ đều được viết nên bởi những cảm xúc chân thành và trái tim tha thiết của người nghệ sĩ. Thi sĩ chọn thơ làm bạn tâm tình, làm “người” đồng hành trên chặng đường đơn độc của đời mình. Bởi thơ mang cái hồn cốt, sự nhịp nhàng, đồng điệu, độc đáo mà không phải hình thức văn học nào cũng có được. Thơ giúp cho kẻ nhân tình bày tỏ những nỗi lòng mình dễ dàng hơn, thi vị hơn. Bởi vậy, một nhà văn học đã từng viết: “Thơ không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà là sự giải thoát của lòng tôi”. Thực vậy, qua vội vàng của Xuân Diệu, ta càng thấy được sự đúng đắn của nhận định trên.

Trước hết, thơ chính là một hình thức nghệ thuật độc đáo nhất. Thơ lấy ngôn ngữ làm chất liệu, có sự tinh chọn trong từ ngữ, sự kết hợp hài hoà giữa hệ thống các vần nhịp, tạo nên sự sống động của âm thanh. Sức hút của thơ trước hết ở tính thẩm mỹ, dễ đọc, dễ nghe, dễ thuộc bởi sự hiệp vần, bởi tính logic trong thơ:

“Tôi muốn tắt nắng
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”

Điệp từ “tôi muốn” cũng đã thể hiện được cái khát khao của tâm hồn nhân vật trữ tình. Nắng và gió đều là những vật thể không thể nắm bắt được trong không gian nhưng tác giả đã dùng chúng như một chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong thơ để bày tỏ niềm khát khao lớn lao của một cái tôi hoài bão. Trong “Vội vàng”, tác giả còn sử dụng những hình ảnh liên tưởng độc đáo và vô cùng thú vị:

” Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

Đó là cái vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp hấp dẫn của thiên nhiên của sức sống tháng giêng, quá đỗi đẹp đẽ và cuốn hút như vẻ đẹp của tình yêu. Đó còn là những từ ngữ, hình ảnh giàu biểu cảm:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;”
Giàu sức gợi và trường liên tưởng:

“Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt”

Hàng loạt các phép so sánh, điệp từ ngữ điệp cấu trúc được tác giả sử dụng vô cùng tinh tế. Giọng điệu thơ khi hối hả giục giã, khi lại mặn nồng thiết tha, khi nhanh, mạnh, khẩn trương, khi lại nhẹ nhàng, chậm rãi. Sự phối kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật tiêu biểu đã làm nên một bài thơ giàu giá trị nghệ thuật mang nét đẹp thẩm mỹ cho tác phẩm.

Nhưng thơ đâu chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là tiếng nói của một cái tôi khát khao, một cái tôi muốn được tự do trong những tình cảm, cảm xúc của chính mình. Xuân Diệu qua ngôn từ nghệ thuật đã thể hiện được nỗi lòng, được tình yêu vạn vật, yêu thiên nhiên. Tháng giêng rất đẹp và thơ mộng. Nó khiến ta thổn thức, khiến ta thêm ý thức về sự sống, về cuộc đời mình.

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Tuổi xuân cũng vội vã qua đi theo năm tháng. Phải sống như thế nào để không sống phí, sống hoài tuổi trẻ. Bởi tuổi xuân chẳng hai lần thắm lại. Đó là lòng ham sống, khát khao mãnh liệt được tận hưởng những dư vị tươi xanh và căng tràn nhất của mùa xuân, của đời người. Đó là một cái tôi vượt lên trên cả những chuẩn mực xưa để thể hiện chính mình, để nói lên cái mà bản thân muốn và khát khao có được. Xuân Diệu đã mang đến những quan niệm mới mẻ về thời gian, về tình yêu và về cuộc sống, về tuổi trẻ và hạnh phúc. Thời gian không đứng yên và chờ đợi, hãy sống thật nhanh, thật vội vàng để tận hưởng, để sống có ích.

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Một lời thúc giục không chỉ cho riêng mình nữa, cho họ bao con người, bao thế hệ trẻ, hãy sống và tận hưởng, sống và cống hiến, sống hết mình, sống khẩn trương, hối hả trước thời gian. Hưởng thụ những vẻ đẹp của muôn hoa cuộc đời và dành những yêu thương trọn vẹn nhất cho nhau.

Quả thật, nghệ thuật không phải là những ngôn từ đẹp mà sáo rỗng, nó là những ngôn từ chất chứa những ý vị lớn lao. Thơ ca cũng thế, nó không chỉ đẹp bởi được tinh luyện, ngôn từ chọn lọc, phối vần nhịp mà trong nó còn mang một tầm tư tưởng lớn, ở đó nhân vật trữ tình hay chính là cái tôi tiềm ẩn bên trong của tác giả được thoả sức tung hoành, tự do bày tỏ nỗi lòng trong những khoảng trời sáng tạo của mình.

———————HẾT———————

Bài thơ Vội vàng là tác phẩm nổi bật trong ngữ văn lớp 11, ngoài bài làm văn Phân tích Vội vàng để làm sáng tỏ nhận định: “Thế nào là thơ? Đó không phải chỉ là một nghệ thuật, đó là sự giải thoát của lòng tôi”, học sinh và giáo viên tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài làm văn mẫu khác nhưPhân tích quan niệm sống vội vàng, Sức hấp dẫn trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, Cảm nhận Vội vàng , Phân tích Vội vàng của Xuân Diệu hay cả phần Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng, Soạn văn bài Vội vàng.

Bản quyền bài viết thuộc trường Trường THPT Phạm Hồng Thái. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: Trường THPT Phạm Hồng Thái (thpt-phamhongthai.edu.vn)

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *